Để người Việt sử dụng hàng Việt: Không thể kêu gọi suông

Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường định hướng cho thấy, hàng Việt Nam đang dần chiếm tỷ trọng cao trong đời sống tiêu dùng của người Việt, với 71% người tiêu dùng (NTD) tin vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Trong hệ thống siêu thị, hàng "nội" đã chiếm số lượng lớn, khoảng 80-90%.

 
Tỷ lệ hàng Việt chiếm khoảng 90% tại các siêu thị. Ảnh: Khánh Nguyên

Theo số liệu của Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, cả nước đã tổ chức 152 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 2.182 gian hàng, có hơn 1.139 lượt doanh nghiệp (DN) tham gia, đạt doanh thu hơn 51 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức hơn 1.311 đợt khuyến mãi với sự tham gia của 11.372 lượt DN, tổng giá trị khuyến mãi đạt hơn 13.000 tỷ đồng; tổ chức 35 hội chợ, triển lãm, thu hút 3.097 DN, doanh thu bán hàng đạt hơn 1.649 tỷ đồng, doanh thu từ ký hợp đồng đạt hơn 252 tỷ đồng… Bên cạnh đó, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, DN, các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa như đưa hàng Việt về nông thôn, bán hàng Việt chất lượng tốt… đã góp phần quảng bá cho những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của các vùng, địa phương, ngành hàng, tạo cơ hội để NTD cả nước tiếp cận hàng Việt Nam có chất lượng, giá thành hợp lý. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ 6 tháng đầu năm đạt 1.141 nghìn tỷ đồng, tăng 19,88% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập siêu đạt 685 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, chênh lệch cán cân thương mại vì thế đã được thu hẹp, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu giảm 14,5% so với cùng kỳ. Có được những kết quả tích cực đó là nhờ những đóng góp không nhỏ từ chủ trương của cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Nhiều DN đã đầu tư, cải tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, giảm giá thành; đồng thời, chú trọng quảng bá thương hiệu và chăm sóc sau bán hàng. Đáng lưu ý, nếu như trong năm thứ nhất, thành tựu nổi bật của CVĐ chủ yếu góp phần chuyển đổi nhận thức, tâm lý tiêu dùng, thì từ sau năm thứ hai đến nay, những kết quả đã có thể lượng hóa được. Tại hầu hết các siêu thị lớn, như Metro, BigC, Hapro, Intimex… tỷ lệ hàng Việt chiếm khoảng 90%. Hàng loạt thương hiệu Việt đã được xây dựng, được NTD tín nhiệm như Việt Tiến, May 10, Kinh Đô, Đức Việt, Xe đạp Thống Nhất… Điều đó cho thấy CVĐ không những làm thay đổi thói quen, mà còn khơi dậy tinh thần yêu nước đối với mỗi người dân Việt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện CVĐ vẫn bộc lộ những tồn tại cần sớm khắc phục trong thời gian tới. Một trong những nguyên nhân khiến hàng Việt mất khách là thái độ ứng xử của người bán hàng đối với NTD. NTD cần được chăm sóc ân cần, được đối xử lịch sự, trọng thị, nhưng đối với nhiều DN "nội" đó còn là vấn đề xa vời. Và một trong những điểm yếu của hàng Việt là khâu phân phối sản phẩm đến NTD và chế độ hậu mãi, dịch vụ chăm sóc sau khi mua hàng còn thua xa DN nước ngoài. Thông tin về sản phẩm chưa rõ ràng, không trung thực khiến NTD khó nhận biết, nhất là đối với thị trường nông thôn, nơi được coi là "rổ" chứa hàng giả, hàng kém chất lượng do người dân kém hiểu biết và thiếu thông tin. Đặc biệt, vẫn còn một số DN lợi dụng các chương trình khuyến mãi để tiêu thụ hàng tồn, hàng nhái hoặc sắp hết hạn sử dụng. Các chương trình đưa hàng Việt vào chợ truyền thống chỉ mang tính phong trào, chưa tìm được những giải pháp cụ thể thuyết phục tiểu thương trong chợ kinh doanh hàng Việt. Mặt khác, đến thời điểm này vẫn còn một bộ phận DN chưa mặn mà với CVĐ, dù cơ quan quản lý đã quan tâm hỗ trợ ngân sách. Nhiều DN còn bán hàng theo kiểu cửa quyền, thông qua đại lý với mức giá bất hợp lý, khiến giá thành sản phẩm đã cao lại càng cao hơn. Phương thức kinh doanh vẫn chưa linh hoạt, khiến NTD và hộ kinh doanh nhỏ lẻ chuyển hướng sang hàng nhập khẩu. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến hàng nhập khẩu phát triển sâu rộng trên khắp thị trường bán lẻ.

Để CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đạt hiệu quả, cần có sự chung tay hành động của cả 3 phía, gồm Nhà nước - NTD và DN, trong đó DN phải là lực lượng tiên phong. Nhà nước đề ra đường lối, chính sách, cơ chế hỗ trợ, còn có giành được NTD hay không hoàn toàn phụ thuộc vào DN. Đối với NTD, không thể kêu gọi họ vì yêu nước mà phải mua những sản phẩm xấu, đắt và kém chất lượng. Vì vậy, mỗi DN cần phải nỗ lực tối đa để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tạo thêm tiện ích cho NTD. Đồng thời, hạ giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển hệ thống phân phối, thường xuyên cung cấp thông tin trung thực đến khách hàng, lắng nghe NTD để hiểu nhu cầu của họ và phục vụ tốt hơn… Đó cũng là cách để DN tạo cho NTD niềm tin để họ tự hào khi sử dụng hàng Việt.

Nguồn Báo Hà nội mới