Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh:

Nơi cưu mang, giúp đỡ những người lầm lỡ

(NTO) Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội tỉnh đóng trên địa bàn xã Lương Sơn (Ninh Sơn). Trong những năm qua, Trung tâm thu nhận nhiều học viên từ các tỉnh, thành phố, trong đó chủ yếu là ở TP. Hồ Chí Minh.

Trung tâm hiện có 85 học viên là những đối tượng (nghiện ma túy, gái mại dâm và nhiễm HIV/AIDS) bị bắt buộc hoặc tự nguyện đến cai nghiện, chữa bệnh. Nhiều người khi được đưa vào Trung tâm, nhờ sự tận tình giáo dục, giúp đỡ của cán bộ đã quyết tâm cai nghiện. Nguyễn Thị Khánh Ngọc, một học viên 30 tuổi, ngụ tại TP. Hồ Chí Minh tâm sự: “Đây là lần thứ 2 vào đây, lần đầu cai thành công, nhưng vì bạn bè rủ rê nên lại tái nghiện. Có nhiều trại cai nghiện ở thành phố nhưng gia đình gửi mình vào Trung tâm này vì tin rằng môi trường này sẽ giúp mình vượt qua. Cán bộ ở đây rất nhiệt tình, luôn hòa đồng, gần gũi, động viên, dạy bảo học viên. Lần này mình cố gắng cai nghiện, để sống một cuộc đời tốt đẹp hơn”.

Các học viên đang lao động tại Trung tâm.

Lao động là cách làm các học viên vượt qua cơn nghiện nhanh và hiệu quả nhất. Sau một buổi lao động, mồ hôi ra nhiều nên các học viên thấy khỏe mạnh, không còn cảm giác “đói thuốc”. Tại Trung tâm, các học viên không những được cai nghiện, chữa bệnh và phục hồi sức khỏe, tâm lý, giáo dục hoàn thiện nhân cách; mà còn trực tiếp lao động sản xuất, được hướng nghiệp, dạy nghề phù hợp với điều kiện của đối tượng; được giáo dục pháp luật, đạo đức, văn hoá, xóa mù chữ để mở rộng kiến thức, nâng cao trình độ học vấn và rèn luyện thể chất. Ngoài ra, Trung tâm còn hướng dẫn, tư vấn cho đối tượng và gia đình đối tượng sau khi trở về, qua đó, củng cố niềm tin và các giá trị sống, giúp cho học viên không tái phạm khi hòa nhập với cộng đồng.

Một trong những phương pháp linh hoạt mà Trung tâm vận dụng vào quá trình cai nghiện là đặt niềm tin vào những học viên. Trung tâm luôn tạo những điều kiện tốt nhất để họ yên tâm lao động, tự tin trong sinh hoạt, phát huy năng lực cũng như nâng cao sự hiểu biết của các học viên. Trong mỗi sáng chào cờ đầu tuần, các học viên xuất sắc được tuyên dương, tạo thêm động lực để họ phấn khởi vượt qua thử thách. Đặc biệt, dù mới hoạt động nhưng bản tin phát thanh buổi sáng của Trung tâm luôn nhận được sự đồng tình của học viên. Trong chương trình, mọi người mạnh dạn tâm sự, chia sẻ những điều mong ước, trăn trở của mình, cùng động viên nhau vượt qua khó khăn, thử thách. Chuyên mục “Góc tâm sự cùng bạn” phản ánh chân thật những suy nghĩ, tâm trạng của các học viên qua những bài viết lời “sám hối” và những dòng lưu bút mà các học viên khi ra trường để lại.

Anh Phạm Chiến Thắng, quê ở TP. Hồ Chí Minh, vào Trung tâm khi đã 37 tuổi, sau một năm cai nghiện, anh trở lại cuộc sống bình thường, chọn miền đất đầy nắng và gió này làm nơi dừng chân, nay có một cuộc sống hạnh phúc bên người vợ và đứa con thơ. Bế cậu con trai kháu khỉnh trên tay, anh Thắng cười nói: “Thật sự khi vào Trung tâm, mình không nghĩ là sẽ có ngày hôm nay. Mình may mắn được cai nghiện tại một môi trường rất tốt để vượt qua cơn nghiện. Từ tâm lý hoang mang lúc đầu, rồi ngày càng cảm thấy thoải mái sau khi được mọi người dìu dắt, giúp đỡ. Giờ đây mình rất hài lòng với cuộc sống, cảm ơn Trung tâm rất nhiều”.

Nhiều học viên sau một năm cai nghiện thành công đã hòa nhập với cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Họ thường gọi điện thoại hỏi han, đôi khi về thăm lại Trung tâm làm cán bộ ở đây rất xúc động. Tình cảm ấy là món quà ý nghĩa dành cho những cán bộ và Trung tâm – nơi đã cưu mang, giúp đỡ họ thành người có ích cho gia đình, xã hội.