Phân tầng, xếp hạng các trường đại học

Đây là một trong những điểm mới trong Luật Giáo dục đại học sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2013.

Sáng 16/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố một số luật mới vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3, trong đó có Luật Giáo dục đại học.

Luật Giáo dục đại học lần đầu tiên phân biệt giữa đại học nghiên cứu và đại học ứng dụng.
 (Ảnh minh họa)

Luật Giáo dục đại học quy định bốn vấn đề mới gồm: phân tầng đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và vấn đề kiểm soát chất lượng giáo dục đào tạo.

Theo đó, khi thực hiện Luật Giáo dục đại học, hệ thống các trường đại học sẽ được phân tầng thành các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, các cơ sở giáo dục định hướng ứng dụng và cơ sở giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, đây là lần đầu tiên có Luật phân biệt giữa đại học nghiên cứu và đại học ứng dụng nhằm nhằm tránh việc đầu tư dàn trải, đồng thời tạo điều kiện đào tạo đội ngũ nhân lực hài hòa theo nhu cầu của xã hội.

Để từng bước thực hiện phân tầng đại học, Luật quy định: “Tăng ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục đại học, đầu tư có trọng điểm để hình thành một số cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao, theo định hướng nghiên cứu thuộc lĩnh vực kho học cơ bản, các ngành công nghệ cao và ngành kinh tế xã hội then chốt đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới”.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát chất lượng giáo dục đào tạo, Luật có các điều khoản giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo trong suốt quá trình sinh viên học tập tại trường. Thay vì quy định chương trình khung như trước đây, Luật Giáo dục đại học quy định về chuẩn tối thiểu kiến thức, kỹ năng.

Để khuyến khích các cơ sở giáo dục đào đại học huy động ngày càng nhiều các nguồn lực đầu tư cho các điều kiện đảm bảo chất lượng, cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo hài hòa cơ cấu nhân lực, nâng cao tính cạnh tranh của sinh viên Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, Luật quy định: “Cơ sở giáo dục đại học thực hiện chương trình đào tạo chất lượng cao được thu phí tương xứng với chất lượng đào tạo”.

Theo Luật, kiểm định chất lượng là bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục đại học để thực hiện quyền tự chủ. Trên cơ sở kết quả kiểm định chất lượng, các cơ sở giáo dục đại học sẽ được xếp hạng theo những tiêu chí được các cấp có thẩm quyền quy định.

Ngoài 4 điểm mới là phân tầng đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và vấn đề kiểm soát chất lượng giáo dục đào tạo, Luật Giáo dục đại học còn có các điều, khoản quy định về ngạch của giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học; quy định trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học; quy định cấp thẩm quyền ban hành chuẩn quốc gia của cơ sở giáo dục đại học;…

Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động giáo dục, đổi mới quản lý giáo dục đại học, tạo điều kiện cho sự nghiệp giáo dục phát triển mạnh mẽ hơn.

Nguồn www.chinhphu.vn