Đáng nói nhất là đề thi môn Văn (khối C, D1) được nhiều thí sinh lẫn giáo viên đánh giá “hay không kém đề thi Văn đại học”. Bởi lẽ, suy nghĩ của thí sinh về ý kiến: “Nghề nghiệp không làm nên sự cao quý cho con người mà chính con người làm nên sự cao quý cho nghề nghiệp” thật sự tạo được sự hứng khởi và thích thú cho thí sinh.
Luận bàn về sự cao quý của nghề nghiệp
Sau khi kết thúc môn thi đầu tiên, tại điểm thi Trường CĐ Sư phạm Trung ương, rất nhiều thí sinh cho biết đề thi môn Văn (khối C, D) khó và hay không kém đề thi Văn đại học. Đặc biệt, câu nghị luận xã hội môn Văn chiếm 3 điểm, yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến: “Nghề nghiệp không làm nên sự cao quý cho con người mà chính con người làm nên sự cao quý cho nghề nghiệp” được các thí sinh thích thú.
Thí sinh trao đổi bài làm sau giờ thi môn Vật lý tại điểm thi Trường THPT Hùng Vương quận 5,
TPHCM của Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại. Ảnh: Mai Hải
“Câu này rất phù hợp với học sinh đang bắt đầu bước vào cổng trường đại học, cao đẳng, bắt đầu sự lựa chọn nghề nghiệp của đời mình”, thí sính Trần Thị Thu Nga dự thi vào Trường CĐ Sư phạm TƯ cho biết. Như vậy, sau “mê muội thần tượng” và “kẻ cơ hội” ở đề thi Văn đại học, câu nghị luận ở đề Văn cao đẳng tiếp tục được các thí sinh đánh giá cao. Phần nghị luận của đề Văn cao đẳng không gây tranh cãi như đề thi đại học khối D, thí sinh có thể thoải mái phóng bút chia sẻ quan điểm của mình. Nhiều thí sinh thi vào Trường CĐ Sư phạm Hà Nội cũng rất tâm đắc với câu nghị luận này. Các em cho rằng, nếu suy nghĩ kỹ, câu nói này rất có ý nghĩa đặc biệt cho các bạn vừa tốt nghiệp THPT, chuẩn bị chọn trường, chọn ngành. Đây cũng là vấn đề hết sức thời sự vì hiện nay, nhiều bạn trẻ theo số đông đã lựa chọn những trường không phải theo sở thích, đam mê mà theo xu thế, ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai sau này.
Đề Văn thi vào cao đẳng năm 2012 có 3 câu, ngoài câu nghị luận xã hội trên, câu 1 yêu cầu phân tích một số chi tiết trong đoạn kết truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân. Câu 3, thí sinh được lựa chọn chương trình chuẩn hay chương trình nâng cao. Chương trình chuẩn yêu cầu phân tích đoạn thơ trong bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm; chương trình nâng cao yêu câu thí sinh phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa. Dự thi vào ngành Văn hóa du lịch Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội, thí sinh Trịnh Thị Thắm (TTGDTX Hoa Lư - Ninh Bình) cho biết: “Đề Văn năm nay đi vào các tác phẩm khá quen thuộc như Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, đó là những tác phẩm các em đã ôn luyện kỹ nên em làm bài khá tốt”.
Thí sinh làm bài thi môn Văn khối D tại hội đồng thi Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ảnh: T.Hùng
Ngày thi nhẹ nhàng
Sau khi kết thúc làm bài thi môn Sinh học khối B, nhiều thi sinh thi tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phấn khởi: “Đề thi môn Sinh học không quá khó và nhẹ hơn so với đề Sinh ở đợt thi ĐH”. Thí sinh Đặng Trần Nguyên (Tiền Giang) thi vào ngành điều dưỡng của trường cho biết: “Đề Sinh có 50 câu hỏi trắc nghiệm. Những câu hỏi không cần phải tính toán nhiều nên tìm đáp án để trả lời không quá khó và không mất nhiều thời gian. Do đó, theo em đề thi Sinh vừa sức và độ phức tạp không bằng đề thi ĐH”. Đa phần các thí sinh được hỏi đều tự tin trả lời “em làm được trên 50% yêu cầu của bài thi”.
Trong khi đó, ở để thi Vật lý khối A, thời gian làm bài 90 phút, nhưng khoảng 60 phút thí sinh đã nộp bài và lác đác rời khỏi phòng thi. Nhiều thí sinh thi tại Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Hội đồng thi Trường CĐ Viễn Đông) đánh giá đề thi CĐ môn Vật lý tương đối dễ và nhẹ nhàng so với năm trước. “Nhiều bạn thi cùng phòng đã làm xong bài ở 60 phút, nhưng phải ngồi đợi quá 2/3 thời gian mới được ra ngoài” - thí sinh Nguyễn Đăng Lê, thi vào ngành Công nghệ Thông tin của trường vui vẻ trả lời.
Thí sinh dự thi vào trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TPHCM vui vẻ trao đổi sau giờ thi môn Văn.
Ảnh: Mai Hải
Ở đề thi Văn khối D, thí sinh cũng khá phấn khởi. Thí sinh Đỗ Thùy Vân (Bà Rịa - Vũng Tàu) thi vào Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại cho biết: “Đề Văn hay và em rất thích. Trong đó em thích nhất là phần nghị luận xã hội và em khá thích thú với cách ra đề này. Vì thể loại nghị luận bàn về mối quan hệ giữa con người - nghề nghiệp. Đây cũng là dịp để em thể hiện quan điểm của mình về nghề nghiệp mà mình đã chọn để học”.
Như vậy, sau “mê muội thần tượng” và “kẻ cơ hội” ở đề thi Văn kỳ thi ĐH, dù đã được dự báo trước nhưng phần câu hỏi nghị luận ở đề Văn cao đẳng tiếp tục được các thí sinh, dư luận hồ hởi đánh giá hay và sát sườn. Phần nghị luận này không chỉ có giá trị với chính bản thân thí sinh mà cũng có tác động đến công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.
Dù đã là đợt thi thứ 3, nhưng nhiều hội đồng thi vẫn tỏ ra lúng túng với quy định mới trong Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT về việc cho phép thí sinh được mang máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh... vào phòng thi.
Thanh Hùng - Phan Thảo
Nguồn Báo SGGP Online