Hoang mang vì thiếu thông tin
Mặc dù NHNN thông báo các loại vàng miếng trên thị trường đều được lưu thông và mua bán bình thường, nhưng cùng với chủ trương độc quyền của Nhà nước về vàng miếng, việc lựa chọn SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia đã làm người dân nắm giữ vàng phi SJC hoang mang. Nhiều người dân ồ ạt bán tháo vàng phi SJC để chuyển sang nắm giữ vàng SJC.
Ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, lỗi của tình trạng này là do tâm lý người dân, tâm lý đám đông và do cả lỗi từ chính sách.
“NHNN đã tuyên bố, pháp luật không phân biệt các loại vàng miếng khác nhau, nhưng tâm lý của người dân là không muốn giữ vàng phi SJC. Trong khi đó, thông tin chính sách lại chưa rõ ràng, khiến người dân hoang mang. NHNN chỉ tuyên bố là người dân được quyền mua, bán, tích trữ vàng, mà không nói cụ thể vàng phi SJC sẽ ra sao, có được chuyển đổi hay không, giá cả thế nào…”, ông Bảng nói và cho rằng, nên có lộ trình chuyển đổi. Nếu nhà nước mua lại, cần mua với giá hợp lý. Phải thông tin kịp thời, minh bạch về chính sách, phải có đề án rõ ràng minh bạch về xử lý vàng phi SJC để doanh nghiệp biết cách làm và người dân không hoang mang.
Ý kiến này được các doanh nghiệp ủng hộ. Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc – Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, thời gian qua, PNJ đã mua vào một lượng lớn vàng PNJ và tăng bán ra SJC để phục vụ nhu cầu người dân. Hệ quả là, đến nay, PNJ bị ứ đọng một khối lượng khá lớn vàng miếng. Doanh nghiệp này đang hy vọng sớm nhận được văn bản hướng dẫn của NHNN.
Chính vì chưa có phương án chuyển đổi, nên thời gian qua, một doanh nghiệp vàng phi SJC đã ép giá người dân khi mua vào với giá thấp hơn giá niêm yết cả triệu đồng/lượng. Ông Đinh Nho Bảng cho rằng: “Việc lợi dụng tâm lý để ép giá người dân chênh lệch hàng triệu đồng/lượng là vô lý. Song cũng phải thông cảm cho doanh nghiệp vàng phi SJC là, nếu để giá mua vào cao, người dân đổ xô bán vàng, thì vốn ở đâu mà mua lại, mua lại thì tiêu thụ ở đâu?”.
Sẽ đổi vàng như đổi tiền
Trước những bất cập hiện nay, ông Đinh Nho Bảng đề xuất, NHNN nên mua các loại vàng phi SJC với giá hợp lý, sau đó chuyển sang vàng SJC. Giá thu mua được đưa ra trên cơ sở giá vàng SJC. Dĩ nhiên, phải trừ những khoản chênh lệch về phí giá công, phí vận chuyển và một số phí khác.
“Việc đưa ra chủ trương thu mua các thương hiệu vàng phi SJC sẽ khiến người dân không bị thiệt, giúp tăng quỹ dự trữ vàng quốc gia. Ngoài ra, việc mua vàng trong dân làm nguyên liệu sản xuất vàng SJC sẽ khiến Việt Nam đỡ tốn USD để nhập khẩu vàng nguyên liệu”.
Theo tiết lộ của Phó thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú, NHNN đang soạn thảo Đề án Chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC trên tinh thần không làm xáo trộn thị trường, không làm người dân thiệt thòi. Một số ngân hàng thương mại sẽ đứng ra làm lực lượng trung gian thu đổi vàng, NHNN sẽ từng bước thu hồi vàng phi SJC để thay thế bằng vàng SJC.
“Việc chuyển đổi vàng cũng như chuyển đổi tiền polymer thời gian qua, vàng SJC và vàng phi SJC đều được pháp luật công nhận. Người dân có nhu cầu, có thể đến các ngân hàng thương mại để đổi vô thời hạn”, Phó thống đốc khẳng định.
Đề án Chuyển đổi vàng SJC đang trong giai đoạn hoàn thiện và sẽ sớm được ban hành. NHNN cho rằng, lượng vàng phi SJC trên thị trường rất nhỏ, do đó, việc chuyển đổi không gây nhiều tốn kém.
Theo tính toán của các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng, trên thị trường có khoảng 22 triệu miếng vàng của 8 doanh nghiệp trong nước. Trong đó, khoảng 20 triệu miếng vàng mang thương hiệu SJC, còn lại là mang thương hiệu của 7 doanh nghiệp khác.
Ủng hộ chủ trương chuyển đổi vàng của NHNN, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, người dân không nên vội vàng bán vàng phi SJC, vì khi NHNN đã có chủ trương, cũng như việc chuyển đổi, chắc chắn, chi phí chuyển đổi vàng sẽ không lớn, không bị ép giá như hiện nay.
Tất nhiên, việc chuyển đổi vàng phi SJC sang vàng SJC chỉ giải quyết được một số vướng mắc trên thị trường vàng hiện nay, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn chưa thể kéo về mức 400.000 đồng/lượng như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình từng kỳ vọng. Do cơ chế nhập khẩu vàng nguyên liệu, cung cầu vàng trong nước, yếu tố tỷ giá, nhập lậu vàng… , nên giá vàng trong nước hiện vẫn chênh so với giá vàng thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng./.
Nguồn baodautu.vn