Theo kế hoạch, Curiosity sẽ ghé thăm sao Hỏa vào ngày 5/8 tới. Điều đặc biệt là thiết bị tự hành này sẽ có màn hạ cánh "cực độc" khi sử dụng một chiếc dù lớn và một cần cẩu trên không gắn động cơ phản lực. Nhiệm vụ của Curiosity là phát hiện liệu khu vực hạ cánh có tồn tại sự sống.
Hình ảnh mô phỏng hoạt động của tàu Curiosity trên sao Hỏa
Curiosity là một thiết bị robot gồm 6 bánh với kích cỡ bằng một chiếc Mini Cooper, trị giá lên tới 2,5 tỷ USD.
Theo thiết kế, Curiosity được trang bị nguồn năng lượng hạt nhân giúp nó duy trì hoạt động trong khoảng thời gian 1 năm trên sao Hỏa (tương đương 23 tháng dưới Trái đất), cùng 10 thiết bị khoa học tối tân để nghiên cứu bề mặt của hành tinh Đỏ, khí quyển và cả sinh vật sống trên đó.
Curiosity sẽ đáp xuống khu vực hố khổng lồ Gale có niên đại 3,5 tỷ năm, rộng 154 km cùng sự xuất hiện của một ngọn núi cao 5 km. Sau đó, thiết bị sẽ khoan, đào đất và phân tích các mẫu đá để tìm kiếm những dấu hiệu của sự sống.
Nếu các thiết bị trên tàu vận hành theo đúng kế hoạch, Curiosity sẽ xuyên qua bầu khí quyển của sao Hỏa ở tốc độ hơn 21.000 km/giờ cùng sự trợ giúp của tấm chắn nhiệt để bảo vệ con tàu khỏi tác động của sức nóng khủng khiếp trên hành tinh Đỏ.
Khi cách khu vực hạ cánh khoảng 11 km, Curiosity sẽ dùng chiếc dù có bề rộng 16 m để giảm dần tốc độ rơi. Tiếp đó, 8 động cơ phản lực sẽ được kích hoạt để đưa con tàu hạ cánh nhẹ nhàng xuống bề mặt sao Hỏa. Vào thời điểm cách vị trí đáp 20 m, cần cẩu trên không sẽ sử dụng các đường cáp để kéo con tàu tiếp đất hoàn toàn.
Khoảng 12 giây sau khi hạ cánh, Curiosity sẽ sử dụng bánh xe di chuyển tới khu vực lòng hố Gale. Các thiết bị cảm biến sẽ giúp con tàu đứng vững trên bề mặt sao Hỏa. Toàn bộ quá trình hạ cánh chỉ diễn ra trong 7 phút. NASA gọi thời khắc này là “7 phút kinh hoàng” bởi chỉ cần một sơ xuất nhỏ, số tiền 2,5 tỷ USD sẽ tiêu tan.
Do đó, Phòng nghiên cứu khoa học sao Hỏa của NASA – đơn vị chịu trách nhiệm điều hành sứ mệnh vào tháng 8 tới của tàu Curiosity đã lên phương án chuẩn bị kỹ càng cho lần hạ cánh lịch sử của tàu Curiosity và cả hành trình hoạt động từ những ngày đầu tiên đặt chân lên hành tinh Đỏ.
Vào tuần trước, các nhà điều hành sứ mệnh của tàu Curiosity đã yêu cầu thử nghiệm hoạt động của động cơ đẩy trên con tàu trong cuộc diễn tập được thiết kế để điều chỉnh khả năng tiếp cận của Curiosity tới hố Gale.
Trong tuần này, nhóm điều hành sứ mệnh của tàu Curiosity sẽ cho tiến hành diễn tập suốt một tuần về hành trình tiếp cận và hạ cánh của con tàu ngay tại Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của NASA.
Nguồn Infonet.vn