Việc mở rộng các đối tượng cây trồng mới để thử nghiệm và đánh giá tính thích nghi, tác động khoa học-công nghệ vào các khâu chọn giống, chăm sóc và bón phân đúng quy trình sẽ góp phần nâng cao năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế trên 1 ha, đưa thêm các cơ cấu cây trồng mới vào địa phương.
• Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh tổ chức nghiệm thu đánh giá kết quả dự án khoa học công nghệ cấp huyện “Ứng dụng các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp trong thâm canh cây lúa tại xã Phước Hà, huyện Thuận Nam”. Dự án được thực hiện với quy mô 10 ha vụ đông- xuân 2011-2012 tại xã Phước Hà, với 77 hộ đồng bào Raglai tham gia mô hình. Kết quả cho thấy mô hình đã đạt hiệu quả khá cao, cụ thể: Tiết kiệm được lượng giống gieo sạ 100 kg/ha; tiết kiệm được lượng phân đạm (N) 5,5 kg/ha, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, năng suất cao hơn 29,22%, hiệu quả kinh tế cao 71,59% so với tập quán canh tác truyền thống. Tuy nhiên qua thực hiện mô hình cho thấy, nông dân chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng vẫn còn “bảo thủ” ở một số khâu sản xuất lúa như: Còn sử dụng giống gieo, phân đạm, thuốc BVTV quá cao, ít chú trọng đến chất lượng hạt giống. Bón phân hóa học mất cân đối, nhất là phân lân, kali còn thiếu so với nhu cầu của cây lúa. Việc tưới nước và phun thuốc hóa học trừ dịch hại còn lạm dụng nhiều, sử dụng thuốc không tuân theo nguyên tắc “4 đúng” và không chú ý đến ảnh hưởng đối với môi trường.
Sở Khoa học và Công nghệ vừa phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Ninh Phước kiểm tra tiến độ dự án Nuôi trùn quế quy mô nông hộ tại xã Phước Vinh, do Hội Nông dân tỉnh chủ trì triển khai thực hiện. Sau gần 4 tháng triển khai trên quy mô 4 hộ, mỗi hộ được hỗ trợ 700kg giống trùn sinh khối, đến nay trùn phát triển tương đối tốt, lượng sinh khối tăng lên đáng kể. Dự kiến, khi lượng sinh khối phát triển đầy bể nuôi, hộ nông dân sẽ được sự hỗ trợ từ Hội Nông dân tỉnh tìm đầu ra cho sản phẩm, với giá 19.000 đồng/kg. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ cũng vừa kiểm tra Dự án “Thử nghiệm mô trình Trồng thử nghiệm rau măng tây xanh theo hướng Viet Gap” tại An Hải (Ninh Phước) và Phước Mỹ, Văn Hải (Phan Rang-Tháp Chàm). Dự án thành công sẽ góp phần đưa ra quy trình chuẩn thích hợp vùng đất Ninh Thuận để bà con có thể canh tác và giảm thất thoát về năng suất cũng như chất lượng sản phẩm măng tây xanh.
Thanh Hưng