Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Giải quyết dứt điểm, thấu tình đạt lý những vụ việc
khiếu kiện phức tạp, kéo dài. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Ngày 6/7, Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg ngày 09/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.
Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, trong 10 năm qua, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với UBND các cấp, các ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài Nguyên và Môi trường… tiếp trên 350 ngàn lượt hội viên, nông dân, tham gia giải quyết hơn 300 nghìn vụ khiếu kiện, tổ cáo của nông dân. Các cấp Hội trực tiếp giải quyết hơn 96 nghìn đơn thư thuộc thẩm quyền.
Tuy nhiên, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã nảy sinh nhiều vấn đề cần được giải quyết. Trong đó, tình hình khiếu nại, tố cáo kéo dài, đông người, vượt cấp, mà số đông là nông dân đã trở thành vấn đề bức xúc, có lúc, có nơi trở thành điểm nóng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn.
Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng tiếp dân của Thanh tra Chính phủ cho biết, nhiều trường hợp dân đi khiếu nại vì cách làm của địa phương không minh bạch. Vì vậy, mỗi địa phương cần chấp hành tốt việc tuyên truyền pháp luật, trình tự giải quyết và minh bạch cả quá trình giải quyết thì sẽ tránh được khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Các đại biểu dự Hội nghị cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu khiến việc triển khai Chỉ thị 26 gặp một số hạn chế. Cụ thể, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và ban, ngành các cấp còn chưa thực sự đầy đủ, thống nhất đồng bộ. Thậm chí, có tư tưởng cho rằng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là việc làm của chính quyền và của cơ quan pháp luật, Hội Nông dân không được tạo điều kiện tham gia ngay từ đầu (nhất là những dự án có thu hồi nhiều đất của nông dân) cho đến khi xảy ra khiếu kiện.
Ngoài ra, các cấp Hội ở một số địa phương chưa phát huy được chức năng tham mưu cho cấp ủy, chưa chủ động tích cực phối hợp với chính quyền cùng các cấp và các ngành chức năng, trình độ năng lực của cán bộ Hội ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân ở một số nơi chưa tốt, việc tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, hướng dẫn người tham gia khiếu nại, tố cáo còn hạn chế,…
Tăng cường đối thoại với nông dân
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng và Nhà nước ta đã xác định vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Nêu rõ khiếu kiện, khiếu nại trong nông dân là vấn đề lớn cần giải quyết, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần sớm tìm ra nguyên nhân để xử lý thấu đáo những vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài, trong đó vai trò của Hội Nông dân các cấp rất quan trọng.
Phó Thủ tướng đề nghị Hội Nông dân chủ động tham mưu với các ban ngành chức năng trong việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; làm tốt hơn công tác tuyên truyền, giáo dục pháp lý cho người nông dân; quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ pháp lý cho cán bộ Hội để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người nông dân.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân cần phối hợp chặt chẽ với MTTQ các cấp trong việc giám sát việc thu hồi, bồi thường đất ở địa phương, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải ở cơ sở, hạn chế khiếu nại đông người, vượt cấp, kéo dài.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, tỉnh, thành phố cần phối hợp với Hội Nông dân trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, nghiêm túc triển khai việc thực hiện tăng cường đối thoại với nông dân, đảm bảo công khai, minh bạch…
Phó Thủ tướng đồng tình với kiến nghị sửa đổi Chỉ thị 26 thành Quyết định của Thủ tướng để tăng cường hơn nữa năng lực các cấp Hội nông dân Việt Nam trong công tác giải quyết khiếu kiện của nông dân. Phó Thủ tướng giao Hội Nông dân chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thành dự thảo Quyết định của Thủ tướng trong tháng 8 tới.
Nguồn www.chinhphu.vn