Mối nguy hại tiềm ẩn từ cây Mai dương

(NTO) Qua các tài liệu khoa học đã được công bố, cây Mai dương hay còn có nhiều tên gọi khác: Cây ngưu ma vương, trinh nữ, mắc cỡ, xấu hổ... và có tên quốc tế là Mimosa Pigra.

Cây có nguồn gốc từ châu Mỹ, thuộc loài thân bụi họ đậu, thân nhiều gai cứng, sống ở trên cạn hoặc dưới nước. Cây sinh trưởng nhanh, sau 6 tháng sẽ đơm hoa, kết trái; có khả năng tái sinh, lan rộng rất nhanh-một cây sản sinh tới 9.000 hạt và đẻ nhánh chi chít ở gốc; ở những vùng đất ẩm ướt, cây ra hoa 4 mùa, hạt Mai dương có thể giữ sức nẩy mầm đến 23 năm.

Thời gian qua, tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh ta như Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Phước, Phan Rang-Tháp Chàm... tình trạng cây mai dương đã và đang phát triển tràn lan. Bắt đầu lấn chiếm đất canh tác, làm cho đất bị thoái hóa, bạc màu. Bên cạnh đó gây cản trở việc đi lại trên đồng ruộng, ngăn cản dòng chảy trên kênh mương, ảnh hưởng đến sản xuất, gây sát thương cho người và gia súc. Đặc biệt thân cây có chứa chất Mimosin - loại acid amin có thể gây ngộ độc cho nhiều loài và khi cây chết sẽ phân hủy thành những chất độc hủy hoại môi trường nước…

Mối nguy hại tiềm ẩn từ cây Mai dương là rất lớn, nhất là khi mùa mưa lũ đang tới gần, sẽ là cơ hội để hàng triệu hạt Mai dương phát tán tràn lan vào các cánh đồng lúa, hoa màu; các bờ sông suối, kênh mương… Như cách làm ở nhiều địa phương, nhằm hạn chế sự phát triển của loại cây này phải triệt phá cây con; chặt sát gốc, đào lấy rễ, phơi khô rồi đốt để diệt hạt và các bộ phận của cây Mai dương. Việc diệt trừ loại cây này cần phải tiến hành ở vụ hè- thu, đốt sạch trước mùa mưa lũ để tránh hạt phát tán, phát triển.