JPMorgan Chase- một trong 9 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã có "di chúc sống".
Đây là một phần trong những quy định của Đạo luật tái cơ cấu tài chính Dodd-Frank.
Được thông qua vào tháng 7-2010, đạo luật Dodd-Frank xây dựng nhằm tránh lặp lại việc chính phủ phải cứu trợ các ngân hàng sụp đổ trong cuộc khủng hoảng năm 2008. “Di chúc sống” chính là các điều khoản do ngân hàng quy định từ trước về việc nên tiếp tục hành động như thế nào trong trường hợp chính ngân hàng đó sụp đổ, nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với các đối tượng khác.
Danh sách công bố hôm qua bao gồm 9 ngân hàng thuộc diện lớn nhất thế giới: JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley, Barclays, Deutsche Bank, Credit Suisse và UBS. Các ngân hàng này có thể bị đóng cửa và không nhận được sự giúp đỡ của chính phủ. Điều này nhằm giảm thiểu những gánh nặng về thuế tương tự như khi sự kiện Lehman Brothers sụp đổ vào năm 2008.
Bản “di chúc sống” đưa ra một số kế hoạch chi tiết mà các ngân hàng cần phải thực hiện. Các ngân hàng với tài sản phi ngân hàng đạt trên 250 tỷ USD sẽ là những ngân hàng đầu tiên phải đưa ra kế hoạch thanh lý tài sản trong trường hợp phá sản.
Ngoài 9 ngân hàng trên thì hơn 100 ngân hàng khác cũng được yêu cầu đệ trình “di chúc sống” trong năm 2013. Hàng năm các ngân hàng này phải cập nhật bản “di chúc” này nếu tình hình hoạt động có những thay đổi lớn.
Theo hãng tin AP, các nhà băng buộc phải liệt kê chi tiết các tài sản và các khoản nợ của mình, mức độ tham gia của họ vào các công ty khác đồng thời nêu rõ họ có thể được xử lý một cách nhanh chóng trong quá trình phá sản một cách có trật tự ra sao. Một phần kế hoạch này được FDIC công bố công khai, những nội dung còn lại do liên quan tới thông tin độc quyền sẽ được giữ kín.
JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ xét theo tổng tài sản cho biết bản “di chúc” của mình sẽ “cung cấp phương án xử lý theo cách nhanh chóng và trật tự, mà theo quan điểm của JPMorgan Chase, sẽ không gây ra những rủi ro hệ thống cho nền tài chính Mỹ”. Đồng thời ngân hàng này cũng công bố đã chuẩn bị sẵn một khoản ngân sách đối phó khủng hoảng. Tính đến cuối năm ngoái ngân sách dự trữ này của JPMorgan Chase có quy mô 379 tỷ USD.
Một tập đoàn ngân hàng lớn khác là Citigroup cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Họ khẳng định kế hoạch của mình sẽ giúp công ty được xử lý theo cách giúp tránh được sự đổ vỡ dây chuyền trên các thị trường tài chính tại Mỹ và thế giới mà không phải dùng đến tiền thuế của người dân. Goldman Sachs thì tin rằng mọi định chế tài chính, bất kể lớn nhỏ, nên được cho phá sản mà không dùng đến tiền thuế.
Là những người có quyết định cuối cùng, Fed và FDIC sẽ quyết định xem liệu bản kế hoạch của các ngân hàng đã đầy đủ hay chưa. Trong trường hợp kế hoạch chưa hoàn thiện, các ngân hàng sẽ bị yêu cầu tăng thêm vốn, giảm tăng trưởng hoặc thậm chí bán bớt các công ty con.
Sau khi các kế hoạch được công bố, giới ngân hàng Mỹ cho rằng “di chúc sống” chính là cái cớ có thể giúp chính phủ Mỹ đứng ra chia tách các ngân hàng lớn. Ngược lại, những nhà phân tích khác thì cho rằng các bản “di chúc sống” này chỉ là giải pháp nửa vời bởi chúng không chỉ ra được vấn đề cơ bản đó là tại sao các ngân hàng đó lại trở nên quá lớn, quá quan trọng.
Nguồn www.chinhphu.vn