Tuy chỉ diễn ra trong 2 ngày, nhưng chuyến thăm Australia của Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono lại khiến dư luận quốc tế chú ý bởi tính chất và quy mô các thoả thuận đã được ký kết, đặc biệt là lĩnh vực quốc phòng.
Trong bối cảnh địa chính trị tại châu Á - Thái Bình Dương đang thay đổi, trục Canberra - Jakarta được ví như một chất kết nối mới đầy tiềm năng về kinh tế và sức mạnh quân sự.
Cái bắt tay mở ra sự hợp tác mới giữa Indonesia và Australia (Ảnh: Reuters)
Việc hai nhà lãnh đạo Australia và Indonesia đưa ra nhiều cam kết để thúc đẩy mô hình “đối tác chiến lược" cho thấy, cả Canberra và Jakarta đều rất thiết tha đến mối quan hệ này. Thậm chí, sự nồng ấm còn thể hiện trong tuyên bố của Thủ tướng Australia bà Julia Gillard “sẽ tiến hành thêm các cuộc hội đàm nữa” và Canberra sẽ đóng góp 1 tỷ USD trong chương trình cho vay khẩn cấp dành cho Jakarta.
Song, điều khiến dư luận chú ý là những thỏa thuận hợp tác quân sự giữa hai nước. Ngay khi đến Canberra, hai nhà lãnh đạo Indonesia va Australia đã ký bản Ghi nhớ (MoU) về tăng cường hợp tác quốc phòng. Theo đó, Australia sẽ chuyển giao cho Indonesia 4 máy bay vận tải Hercules.
Trước đó 3 tháng, hồi tháng 3, Australia đã thiết lập cơ chế “đối thoại 2+2” (cơ chế đối thoại giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng). Đây cũng là lần đầu tiên Australia dành ưu tiên này đối với Indonesia, bởi từ trước đến nay, Australia chỉ mới thiết lập “đối thoại 2+2” với 3 nước là Mỹ, Anh và Nhật Bản.
Rõ ràng, với các Hiệp định vừa nêu, Australia đang mở rộng cửa chào đón Indonesia và sự kết nối trong tương lai giữa hai bên sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, là điều không khó dự đoán.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao Australia và Indonesia lại tìm đến nhau ở thời điểm này, chứ không phải là một thời điểm khác? Giới phân tích cho rằng sự “kết hợp” này có liên quan đến chiến lược trở lại châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy với nhiều tham vọng, đối với Washington, việc thực hiện kế hoạch vừa nêu chắc chắn không thể thiếu được vai trò của các đồng minh thân cận là Ấn Độ, Australia, Indonesia. Riêng đối với Australia, Indonesia, Mỹ luôn có sự tin tưởng và tham vọng nhất định.
Trong trường hợp của Australia, sau thỏa thuận Australia - Mỹ cho phép 2.500 thủy quân Lục chiến đóng tại căn cứ Darwin, có một số nguồn tin cho biết Washington và Canberra đang nghiên cứu khả năng chuyển đảo Cocos của Australia làm căn cứ hoạt động mới.
Còn đối với Indonesia, Mỹ cũng sẽ không thể lơ là vì vai trò số một của Jakarta trong thế giới Hồi giáo.
Tất nhiên, các nước này đều ý thức rõ điều đó. Bản thân Australia, Indonesia đều có những lợi thế riêng, và việc “bắt tay nhau” đều mang lại những lợi ích tiềm tàng. Đó không chỉ thúc đẩy kinh tế, thương mại, mà còn giúp hai bên tăng cường khả năng quân sự, xây dựng một trục hợp tác mới có khả năng đối phó với các nguy cơ thường trực.
Australia cần Indonesia với tư cách là một quốc gia Hồi giáo đông dân nhất. Sự ổn định của Indonesia cũng sẽ là nền tảng để đảm bảo an ninh, ổn định xã hội của khu vực và Australia. Ngược lại, Indonesia cần Australia như một đối tác tiềm năng về kinh tế, có tiếng nói thân cận với Mỹ và sẵn sàng chìa tay giúp đỡ Indonesia khi cả hai bên đồng thuận về lợi ích.
Nhìn từ góc độ này, việc Australia và Indonesia “bắt tay nhau” đều có lợi cho tất cả các bên./.
Nguồn VOV Online