Xây dựng quỹ hưu trí bổ sung tại Việt Nam:

Tạo thêm “tấm lưới” an sinh xã hội

Quỹ hưu trí bổ sung đang được các cơ quan có trách nhiệm tiến hành xây dựng nhằm tạo thêm "tấm lưới" an sinh xã hội góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống của người lao động nghỉ hưu. Quỹ là mô hình mới, nên việc xây dựng quỹ sẽ được thực hiện một cách thận trọng, thí điểm ở một số đơn vị với tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm

 Một hướng đi khả thi

Đề cập đến việc hình thành Quỹ tại Việt Nam, nhiều chuyên gia lao động khẳng định: Đây là việc làm cần thiết. Hiện nay, người lao động về nghỉ hưu, nếu tham gia bảo hiểm bắt buộc đủ thời gian theo quy định sẽ được nhận lương hưu hằng tháng. Tuy nhiên, mức hưởng lương còn thấp nên đời sống của người nghỉ hưu gặp không ít khó khăn. Hiện lương hưu được chi trả tính trên số tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trong quãng thời gian công tác của đối tượng này (chỉ bằng 56,6% thu nhập thực tế).

 

Quỹ hưu trí bổ sung sẽ bảo đảm cuộc sống của người trong độ tuổi hưu trí. Ảnh: Linh Tâm

Bên cạnh đó, quỹ hưu trí cũng đang phải đối mặt với nguy cơ mất cân đối. Chỉ sau ít năm nữa khi số lượng người nghỉ hưu lên đến 4-5 triệu người (gấp 4-5 lần so với hiện nay), BHXH sẽ không có khả năng chi trả và như vậy ngân sách nhà nước sẽ phải dành một khoản rất lớn chi trả cho lương hưu. Theo tính toán, tổng số tiền người lao động và chủ sử dụng lao động đóng, cộng với các khoản thu khác chỉ bảo đảm chi trả lương hưu trong vòng 10 năm cho mỗi cá nhân. Trong khi đó, độ dài hưởng lương hưu bình quân hiện nay là 19,5 năm. Đáng nói, theo thống kê, số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm nhanh, cụ thể: Nếu năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu, thì năm 2000 giảm xuống còn 34 người, năm 2004 còn 19 người, năm 2007 còn 14 người, năm 2009 còn 11 người và đến 2010 chỉ có 10,7 người.

Từ thực tế này, ông Phạm Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, việc xây dựng quỹ là cần thiết. Một khảo sát nhỏ điều tra nhu cầu của doanh nghiệp về việc xây dựng Quỹ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh do Bộ LĐ-TB&XH tiến hành năm 2011 với 610 DN tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, có tới 70,33% DN được hỏi sẵn sàng tham gia vào quỹ hỗ trợ bổ sung cho người lao động.

Cần một lộ trình thích hợp

Dù cần thiết nhưng việc xây dựng Quỹ tại Việt Nam sẽ không đơn giản. Thứ nhất, đây là mô hình mới, được thực hiện thành công nhưng đều ở các nước phát triển, đời sống và thu nhập bình quân của người lao động khá cao và ổn định. Thứ hai, việc quản lý Quỹ không thể bê nguyên về áp dụng tại Việt Nam. Chưa kể, cho đến nay, chúng ta vẫn còn đang lúng túng và chưa xác định cụ thể, rõ ràng đối tượng tham gia vào quỹ là những ai; vai trò của Nhà nước đối với Quỹ như thế nào; có cần thiết quy định mức đóng tối thiểu, tối đa không; mục đích chỉ thực hiện với lương hưu hay cho phép linh hoạt với các mục đích khác; cơ chế quản lý việc đóng - hưởng như thế nào…

Từ xuất phát điểm đó, việc xây dựng quỹ sẽ không thể thực hiện vội vàng và rút ngắn giai đoạn. Kinh nghiệm của hầu hết các quốc gia trên thế giới khi thiết lập khung pháp lý cho Quỹ đều đi theo một lộ trình nhất định: triển khai thí điểm; thực hiện tự nguyện đối với các doanh nghiệp; thực hiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp… và Việt Nam cũng không nằm ngoài lộ trình này. Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo dự kiến, lộ trình xây dựng Quỹ ở Việt Nam sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2012-2015): Hình thành khung pháp lý, tổ chức thí điểm đối với một số tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Giám sát quá trình hoạt động và thực hiện các cải tiến cần thiết để hoàn thiện hệ thống. Giai đoạn 2 (2015-2020): Hoàn thiện khung khổ pháp lý và mở rộng đối tượng tham gia đóng góp vào Quỹ. Giai đoạn 3 (sau 2020): Nghiên cứu chuyển đổi mô hình Quỹ từ hình thức tự nguyện sang hình thức bắt buộc. Nếu đủ điều kiện chuẩn bị, năm 2013 hình thành một số đơn vị thí điểm thực hiện.

Nguồn Hanoimoi.com.vn