Đó là mục tiêu tổng quát của Chương trình hành động quốc gia về "Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng" giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc thực hiện "giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng" (gọi tắt là REDD+) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, thể hiện thiện chí và nỗ lực của Việt Nam, góp phần cùng cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.
Mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015, mạng lưới REDD+ quốc gia được hình thành và hoạt động hiệu quả; góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có, nâng cao chất lượng và giá trị của rừng, giảm phát khí nhà kính, tạo thêm việc làm và thu nhập của người dân thông qua việc tổ chức thực hiện các dự án thí điểm REDD+ tại ít nhất 8 tỉnh.
Giai đoạn 2016 - 2020, quản lý và phát triển bền vững tài nguyên rừng, nâng độ che phủ của rừng của cả nước lên 44 - 45%, bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng hóa và cải thiện sinh kế cho các chủ rừng và người dân.
Nâng cao năng lực về REDD+ cho cán bộ các cấp
Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, một trong các giải pháp của Chương trình là hoàn thiện thể chế và phát triển nguồn nhân lực, trong đó có kế hoạch xây dựng đào tạo, nâng cao năng lực về REDD+ cho cán bộ các cấp đặc biệt là ở cấp xã và thôn bản ở vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế liên kết chặt chẽ khu vực tư nhân và mô hình hợp tác công - tư; khuyến khích sự tham gia của các đoàn thể chính trị xã hội, nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư trong việc lập kế hoạch, thực hiện và giám sát thực hiện Chương trình REDD+.
Lồng ghép thực hiện REDD+ với Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh, Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, sáng kiến nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES); khuyến nông, khuyến lâm, xóa đói giảm nghèo và các chương trình, dự án có liên quan nhằm tăng cường tính hiệu quả và bền vững.
Huy động sự tham gia của người dân tổ chức thực hiện và giám sát REDD+
Ngoài giải pháp nêu trên, Chương trình sẽ rà soát, hoàn thành việc giao, cho thuê rừng và đất rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật để đảm bảo cơ sở pháp lý khi ký hợp đồng tham gia và chi trả kết quả thực hiện REDD+.
Bên cạnh đó, tiến hành điều tra, theo dõi diến biến rừng và kiểm kê rừng theo định kỳ hàng năm và 5 năm; hoàn thiện hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng địa phương và các tổ chức trong việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát REDD+.
Nguồn www.chinhphu.vn