Những bài văn “lạ” trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2012

(NTO) Tỉnh ta vừa công bố kết quả thi Tốt nghiệp THPT năm 2012, theo đó tỉ lệ đậu đạt 99,56%. Kết quả đó đã làm nức lòng bao sĩ tử sau 12 năm đèn sách. Trong số 6 môn thi hệ THPT, tỉ lệ đạt 5 điểm trở lên ở môn Ngữ văn khá “khiêm tốn” nhưng cũng ở mức 83,3%. Có lẽ đó là tỉ lệ cao nhất trong những năm gần đây.

Là giám khảo tham gia chấm thi môn Ngữ văn, tôi nhận thấy đa số thí sinh hiểu đề, cảm thụ tốt văn chương, diễn đạt xúc cảm hình tượng, có kỹ năng làm bài. Tuy nhiên cũng có không ít bài viết làm giám khảo phải “dịch” khá vất vả để hiểu thí sinh viết gì vì chữ viết xấu, cẩu thả. Đặc biệt, có một số bài làm, thí sinh không hiểu đề, không cảm thụ được tác phẩm nên viết lan man, suy diễn tuỳ tiện theo cách hiểu của mình rất ngô nghê. Trong đó nhiều nhất là ở câu 3.a. (theo chương trình chuẩn), phân tích đoạn thơ trong bài Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu. Do không học bài kỹ, không nắm được hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm nên có em viết Việt Bắc được viết trong thời kỳ phong trào Đồng Khởi nổ ra ở Bến Tre và lan sang những tỉnh khác. Khi đi vào phân tích đoạn thơ, đây là lúc sự suy diễn được đẩy lên đến cao trào của những học sinh không học bài. Phân tích những câu thơ Ta đi ta nhớ những ngày/Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…/Thương nhau, chia củ sắn lùi/Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng. Có em viết: Đoạn thơ tố cáo tội ác của thực dân Pháp làm cho dân không có gì để ăn đến nỗi phải chia củ sắn, có gì thì cùng nhau chia sẻ không cãi vả ồn ào. Từ tình cảm quân dân, chiến sĩ cán bộ cách mạng với đồng bào nhân dân Việt Bắc, một học sinh đã suy diễn thành tình yêu trai gái, vợ chồng. Tác giả đã tả đôi trai gái khi xa nhau. Người con trai đi lính nhớ lại những ngày vui vẻ bên người vợ những đắng cay ngọt bùi đều san sẻ cho nhau nay mỗi đứa một nơi. Lúc anh còn ở nhà thì đến cả sắn lùi cũng chia cho nhau, bát cơm cũng sẻ nửa, chăn sui cũng đắp cùng. Từ đó mà tôi đã biết tình yêu hồi xưa thật đáng trân trọng không như bây giờ.

Có học sinh đã ca thán khi cảm nhận câu thơ Nhớ người mẹ nắng cháy lưng/Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô như sau: Trời ơi nắng gì mà nắng dữ vậy! Bà mẹ không biết thương con nắng cháy lưng mà còn địu con lên rẫy … ánh nắng chiều lung linh tạo nên một bức tranh tuyệt thực. Có phải vì thực sự sắp xa ngôi trường của mình không mà khi phân tích câu thơ Nhớ sao lớp học i tờ/Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan. Có em viết đến cả trang giấy nói về tình cảm của mình với bạn bè, thầy cô, trường lớp, thậm chí buổi liên hoan chia tay cuối năm cũng được kể khá chi tiết. Một trong những lý do học sinh không cảm thụ được là do không hiểu hình tượng thơ. Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều có em cho rằng đó là tiếng mõ của các chùa trong khi sách giáo khoa đã chú thích tiếng mõ rừng chiều là tiếng mõ trâu buổi chiều trở về bản làng (ở Việt Bắc, do chăn thả nên người ta đeo ở cổ mỗi con trâu một cái mõ bằng gỗ hoặc tre để cho dễ tìm). Còn câu thơ chày đêm nện cối đều đều suối xa có em viết người Việt Bắc trước khi ngủ nhà nào cũng chày đêm nện cối đều đều vang vọng đến suối xa trong khi sách giáo khoa đã chú thích đó là nhịp chày của cối giã gạo đặt bên suối, hoạt động bằng sức nước.

Không biết tác giả của những bài văn suy diễn tuỳ tiện này có nằm trong số 99,56%?!