Sáng 28/6 theo giờ Mỹ, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Biển Đông và châu Á Thái Bình Dương trong thời kỳ quá độ, tìm kiếm các giải pháp để giải quyết tranh chấp”.
Tham dự hội thảo gồm nhiều học giả đến từ các nước,Trung Quốc Việt Nam, Philippines, Nhật Bản, Ấn Độ và Singapore,… tập trung thảo luận nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm các diễn biến gần đây trên khu vực Biển Đông, vấn đề Biển Đông trong quan hệ Mỹ- ASEAN- Trung Quốc, đánh giá tầm quan trọng của của Biển Đông trong bối cảnh khu vực thay đổi và luật pháp, tập quán quốc tế trong giải quyết tranh chấp; đồng thời đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường an ninh và hợp tác tại khu vực Biển Đông.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell cho biết, Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực và đe dọa
sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp tại khu vực Biển Đông.
Trong ngày hội thảo đầu tiên, một số các học giả quốc tế đã cho rằng Trung Quốc không có căn cứ để tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, và yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc là một sự vô lý.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN, ông Carlyle Thayer, giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia cho rằng “Đường Lưỡi bò của Trung Quốc” không phải là một yêu sách theo đúng luật quốc tế.
“Đường Lưỡi bò do Trung Quốc vẽ ra vào năm 1948 và được Trung Quốc chính thức tuyên bố vào năm 2009. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền thì cứ tuyên bố, tuy nhiên dựa vào những luật pháp quốc tế thì tuyên bố này của Trung Quốc không phù hợp, bởi vì đường Lưỡi bò được vẽ ra trước khi có Công ước Luật Biển của LHQ. Trung Quốc khăng khăng nói rằng họ dựa vào tuyên bố của chính phủ trước đây, tuy nhiên nó không tuân theo Công ước Luật Biển của LHQ”, giáo sư Carlyle Thayer nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các học giả quốc tế cho rằng Tổng công ty Dầu khí Hải Dương của Trung Quốc (CNOOC) mời thầu thăm dò khai thác dầu khí tại 9 lô trên Biển Đông đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tiến sỹ Bonnie Glasser, chuyên gia về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ,cảnh báo việc mời thầu của công ty Trung Quốc tại khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam sẽ gây ra những mỗi lo ngại mới trong khu vực và các công ty nước ngoài có ý định tham gia thầu với Trung Quốc đều sẽ phải chịu rủi do rất cao.
Bà Bonnie Glasser cảnh báo: “Những lô mời đấu thầu thăm dò của Trung Quốc chồng lấn với Việt Nam và các lô này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việc làm này sẽ không tốt cho việc giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam trong tương lai, đồng thời nó cũng có ảnh hưởng xấu đối với việc giải quyết tranh chấp tương tự giữa Trung Quốc và Philippines”.
Trong bài tham luận của mình, tiến sỹ Trần Trường Thủy, một học giả đến từ Việt Nam cũng khẳng định bản đồ 9 lô dầu khí mà Trung Quốc mời thầu trên Biển Đông là hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cũng theo tiến sỹ Trần Trường Thủy, Luật Biển Việt Nam được Quốc hội Việt Nam thông qua là một việc làm hoàn toàn hợp lý đồng thời tuân thủ Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc.
Học giả Henry Bensurto cho rằng việc Quốc hội một nước thông qua dự luật để bảo vệ chủ quyền, và dự luật đó tuân thủ các qui định của quốc tế là điều đáng hoan nghênh.
“Tôi cho rằng việc Việt Nam thông qua Luật Biển là một điều rất tốt, bất cứ một hành động của quốc gia nào, bất cứ đó là Việt nam hay Philipines, hay một nước nào khác thông qua một đạo luật mà nó phù hợp với luật pháp quốc tế thì đó là điều khuyến khích nên làm”, vị học giả này nêu ý kiến.
Tại hội thảo, các học giả đều cho rằng Hiệp hội ASEAN sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.
Phát biểu tại hội thảo, Trợ Lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell nhấn mạnh, Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp tại khu vực Biển Đông.
Hội thảo sẽ đưa ra các khuyến nghị cho việc giải quyết tranh chấp tại khu vực Biển Đông vào ngày mai theo giờ địa phương./.
Nguồn VOV Online