Kinh tế Brazil và Ấn Độ đang tăng trưởng chậm lại một cách nhanh chóng, Trung Quốc đã gặp khó khăn khi thương mại toàn cầu giảm tốc; còn giá dầu giảm gần 30% tác động tiêu cực tới kinh tế Nga. Tất cả đang "đồng điệu" với những sự phát triển ì ạch, khi châu Âu đang bên bờ vực suy thoái và thương mại của Mỹ bị thu hẹp. Pablo Goldberg, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu các thị trường mới nổi của HSBC, nói: "Đây là một phần của giai đoạn hồi phục kéo dài của nền kinh tế toàn cầu".
Các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính 2007-09 để tăng trưởng lần lượt 7,5% và 6,2% trong hai năm 2010 và 2011. Họ nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình kích cầu to lớn và tình hình tài chính mạnh mẽ của chính phủ, ngân hàng và hộ gia đình.
Các động thái đó đã góp phần đẩy giá hàng hóa lên các mức cao. Chỉ số Thomson Reuters/Jeffries Commodity Research Bureau Index đã tăng lên mức cao kỷ lục trên 471 điểm vào giữa năm 2008, nhờ nhu cầu mạnh từ các nền kinh tế mới nổi trước khi giảm. Chỉ số này đã tăng trở lại từ cuối năm 2009 đến giữa năm 2011. Tuy vậy, khi kinh tế Trung Quốc cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, chỉ số quan trọng này lại quay đầu đi xuống và chỉ từ tháng 3/2012 đã giảm 18%.
Các ngân hàng đầu tư bắt đầu hạ thấp dự đoán về mức tăng trưởng của các thị trường mới nổi, trong đó Barclays Capital giảm mức dự đoán tăng trưởng từ 5,8% xuống 5,6% năm 2012 và từ 6,7% xuống 6,2% năm 2013. Còn Credit Suisse cũng giảm mức dự đoán tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi trong cả hai năm 2012 và 2013 từ 5,5-6% xuống 5,1-5,6%.
Mới đây, lãnh đạo Nhóm 20 nền kinh tế lớn và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khi nhóm họp tại Los Cabos (Mexico) đã lưu ý rằng "nền kinh tế thế giới rõ ràng vẫn dễ bị tổn thương". Theo họ, nếu tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi một cách đáng kể, các nước có tình hình ngân sách mạnh mẽ cần sẵn sàng thực hiện các biện pháp kích cầu bổ sung.
Cú sốc trong ngành ngân hàng châu Âu và những hệ lụy của nó đang hút luồng vốn đầu tư và tài chính chảy về cựu lục địa, gây ra tác động tiêu cực đối với tăng trưởng của thế giới, toàn cầu hóa và cả các nền kinh tế đang phát triển trong nhiều năm tới. Hiện các nhà kinh tế vẫn loay hoay với câu hỏi rằng liệu xu hướng vốn đầu tư "chảy ngược về nguồn" chỉ là một đợt thủy triều xuống nhất thời, hay là sự sụt giảm dài hạn trên thị trường tài chính quốc tế mà có thể khiến tiến trình toàn cầu hóa bị đóng băng.
Từ trước tới nay, giới hoạch định chính sách vẫn lý giải rằng nhịp độ tăng đột biến của kinh tế thế giới và xu hướng toàn cầu hóa được thúc đẩy mạnh mẽ hồi thập niên 1990 và 2000 một phần là nhờ các ngân hàng và nhà đầu tư hướng tầm nhìn ra bên ngoài quốc gia quê hương mình.
Cựu chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Alan Greenspan còn viện dẫn sự sụt giảm vốn đầu tư trong nước để bào chữa cho tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai triền miên của Mỹ mà khi đó khiến nhiều nhà kinh tế không khỏi lo lắng về nguy cơ khủng hoảng tín dụng. Việc kiểm soát lỏng lẻo đối với nguồn vốn chuyển dịch qua biên giới cũng là "chất xúc tác" kích thích xu hướng đầu tư ra bên ngoài. Cùng với đó là những sự kiện như đồng tiền chung châu Âu euro ra đời và tốc độ phát triển chóng mặt của Internet... Chỉ tính riêng năm 2011, số lượng các khoản cho vay của khu vực ngân hàng châu Âu ở những thị trường mới nổi đã gấp 10 lần so với Mỹ.
Tuy nhiên, gió bắt đầu đổi chiều khi cuộc khủng hoảng đồng euro ngày càng tồi tệ và nhiều quy định mới nhằm ngăn chặn nguy cơ phải có thêm các gói cứu trợ được áp dụng. Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) được công bố đầu tháng này, các khoản cho vay từ ngân hàng trong quý IV/2011 đã giảm kỷ lục 799 tỷ USD (2,5%) trên phạm vi toàn cầu. Đây là mức sụt giảm lớn nhất kể từ khi Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ 3 năm trước đó.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 4 dự báo các ngân hàng châu Âu có thể sẽ tiếp tục giảm nguồn tiền cho vay để cân đối vốn. Giáo sư Philip Lane ở Dublin (Ireland), cho rằng cuộc tranh luận liệu xu hướng vốn "chảy ngược về nguồn" có gây ra khủng hoảng tín dụng hay không cũng giống như phải phân biệt thế nào là lượng cholesterol phù hợp và nồng độ cholesterol tăng đột biến. Đó là tách hẳn hiệu quả của những dòng vốn chuyển dịch qua biên giới với nguy cơ nảy sinh khi cho ngân hàng nước ngoài vay tiền. Theo ông, điều quan trọng là chính phủ các nước cần có biện pháp giải quyết nguồn vốn đổ về thị trường trong nước, hoặc đưa ra những sáng kiến như thiết lập liên minh ngân hàng châu Âu.
Các thể chế tài chính như IMF thừa nhận rằng, không giống như cuộc khủng hoảng 2008-2009, xu hướng rút vốn về nước hiện nay phần nhiều là để tái cấu trúc theo những quy định mới và có thể sẽ gây tác động lâu dài. Giám đốc Tập đoàn Vốn quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) Lars Thunell cho rằng việc các ngân hàng châu Âu rút vốn vẫn là mối quan ngại đáng kể, và những quy định mới như Quy tắc Basel III (nhằm tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng của khu vực ngân hàng) là vấn đề then chốt./.
Nguồn www.chinhphu.vn