Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (TP Hà Nội); đại biểu Lê Ngọc Hoàn (tỉnh Nam Định) và nhiều đại biểu khác đều nhất trí với sự cần thiết quy định nội dung xuất bản phẩm điện tử trong Luật và cho rằng xuất bản phẩm điện tử là mảng nội dung quan trọng nhất trong lần sửa đổi này.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về xuất bản phẩm điện tử như Dự thảo còn mang tính chung chung, chưa chặt chẽ, chưa đưa ra khung pháp lý quản lý cụ thể, chi tiết nên khó khả thi. Các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định về hình thức, phương thức và cơ chế quản lý; cần quy định về cả xuất bản, in và phát hành đối với xuất bản phẩm điện tử.
Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Đại biểu Lê Ngọc Hoàn (tỉnh Nam Định) đề nghị sách điện tử cũng cần quy định phải có giấy phép xuất bản, phải có biện pháp, chế tài xử lý các vi phạm vì cho rằng vi phạm bản quyền của sách điện tử là rất nhiều, khó kiểm soát sao chép lậu.
Về liên kết xuất bản, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung thêm các quy định cụ thể về điều kiện hoạt động, quyền, trách nhiệm, cơ cấu tổ chức nhân sự cũng như quy trình tổ chức và biên tập bản thảo của cơ sở liên kết xuất bản. Vì theo quy định của Luật Xuất bản hiện hành, khâu xuất bản chủ yếu vẫn thuộc trách nhiệm của nhà xuất bản. Nhưng trên thực tế, đối tác liên kết lại thực hiện hầu như toàn bộ khâu này, từ tổ chức đến biên tập bản thảo, trong khi đó nhà xuất bản chỉ quyết định xuất bản, mà thường là thiếu sự thẩm định nghiêm túc. Thế nhưng, Luật quy định trách nhiệm của đối tác liên kết chưa cụ thể và khó phân định khi xử lý vi phạm.
Đại biểu Huỳnh Tuấn Dương (tỉnh Hải Dương) đề nghị mở rộng thành phần ngoài nhà nước được thành lập nhà xuất bản để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho xuất bản nhằm bớt đi gánh nặng về kinh phí ngân sách nhà nước.
Có một số đại biểu cho rằng vừa quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của biên tập viên nhà xuất bản, vừa quy định điều kiện được cấp chứng chỉ biên tập viên là không hợp lý. Đề nghị cần cân nhắc về mục đích và sự cần thiết của việc cấp chứng chỉ biên tập viên và nên tách thành các điều phân biệt rõ các quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của biên tập viên nhà xuất bản với các quy định về điều kiện, thẩm quyền cấp chứng chỉ biên tập viên, đồng thời đề nghị bổ sung các quy định về thu hồi, cấp lại chứng chỉ biên tập viên.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (TP Hà Nội) và nhiều ý kiến đại biểu tán thành quy định các cơ sở in phải đăng ký hoạt động để phục vụ công tác quản lý hoạt động in xuất bản phẩm cũng như phòng chống việc in giả, in lậu xuất bản phẩm. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác cho rằng việc quy định các cơ sở in khác như in lưới, in bao bì nhãn mác phải bảo đảm các điều kiện thành lập như cơ sở in xuất bản phẩm là chưa hợp lý. Ngoài ra đại biểu Hồng Hà cũng đề nghị bổ sung thêm vào Luật các cơ sở in phải cam kết đảm bảo, bảo vệ môi trường xung quanh như tiếng ồn, mực in...
Cũng tại buổi thảo luận, đa số ý kiến cho rằng không nên quy định “Giấy phép thành lập nhà xuất bản có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp” vì với thời gian ngắn như vậy việc xây dựng chiến lược phát triển khó khả thi.
Đại biểu Lù Thị Lừu (tỉnh Lào Cai) cho rằng, về việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực xuất bản chưa có phần xử lý các cơ quan quản lý Nhà nước nếu như cấp phép sai thì sẽ xử lý thế nào? Đại biểu đề nghị cân nhắc và bổ sung quy định quản lý đối với nhà in và có quy định chế tài xử phạt nghiêm khắc, thích đáng những sai phạm của các cơ sở in.
Về tổ chức và hoạt động phát hành xuất bản phẩm, đa số ý kiến cho rằng cơ sở phát hành, hộ kinh doanh phát hành xuất bản phẩm không cần được cấp phép nhưng phải đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước. Việc cấp giấy phép chỉ nên đặt ra đối với một số loại hoạt động cụ thể như: nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh, triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm...
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam