Tạo đồng thuận cao để huy động nhân dân chung tay xây dựng, phát triển tỉnh nhà

Muốn tạo được sự đồng thuận cao để vận động nhân dân, huy động tất cả mọi người góp phần vào các nhiệm vụ, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị cần nắm vững nhận thức và triển khai đồng bộ công tác dân vận, công tác quy chế dân chủ cơ sở, công tác cải cách thủ tục hành chính cùng với triển khai nhiệm vụ, công vụ của mình.

Đồng chí Trần Minh Lực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy với cán bộ khu phố 3,
phường Tấn Tài, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: C.T.V

Ngay từ những ngày đầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Bác Hồ đã quan tâm và chỉ rõ “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc của Chính phủ và đoàn thể giao cho”.

Tổng kết từ thực tiễn của quá trình phát triển, Bộ Chính trị đã ban hành Quy chế 290-QĐ/TW ngày 25-2-2010, quy định “Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng nước ta. Công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị, của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang”

Theo Quy chế này, tất cả cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị các cấp cần nâng cao nhận thức: ai làm công tác dân vận? làm như thế nào? và khi nào làm dân vận?

Ai làm công tác dân vận? Các đối tượng sau đây phải nhận thức và thực hành dân vận:

- Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chương trình, dự án có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn phải thông qua phương thức dân vận, phải đảm bảo quy chế dân chủ cơ sở, luôn đổi mới cải cách thủ tục hành theo hướng thuận lợi, phục vụ nhân dân.

- Phân công cán bộ kiêm nhiệm phụ trách công tác dân vận, công tác quy chế dân chủ cơ sở, công tác tiếp dân cải cách thủ tục hành chính để thường xuyên tham mưu, đôn đốc, nhắc nhở triển khai công tác dân vận cùng với triển khai công việc của cơ quan, đơn vị.

-Tất cả cán bộ công chức khi thực hiện nhiệm vụ của mình liên quan đến cán bộ khác, tổ chức khác, doanh nghiệp, công dân và nhân dân đều phải luôn luôn ý thức về trách nhiệm, bổn phận và phục vụ.

-Phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể khi thực hiện nhiệm vụ, chương trình, dự án liên quan đến lãnh thổ, địa bàn dân cư.

Làm dân vận như thế nào? và khi nào làm? Khi triển khai nhiệm vụ chuyên môn, tất cả cán bộ, công chức phải thực hiện công tác dân vận như sau:

-Nhận thức kỹ, hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, mục đích, ý nghĩa của chương trình, dự án sẽ triển khai.

-Giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể đến mọi người, đến từng đối tượng, địa bàn mình triển khai nhiệm vụ. Cán bộ, công chức có trách nhiệm giải thích cho số đông mọi người thấy rõ mình làm việc ấy trước mắt hay lâu dài, trực tiếp hay gián tiếp đều vì lợi ích của mọi người, đều vì lợi ích xây dựng và phát triển quê hương giàu đẹp hơn.

-Những nhiệm vụ, chương trình, dự án lớn, triển khai thời gian dài, tác động đến nhiều đối tượng, nhiều người, nhiều địa bàn thì phải đưa ra bàn bạc thảo luận, công khai, minh bạch, lấy ý kiến đồng thuận của nhiều người (cả hệ thống chính trị và nhân dân) ngay từ khi lập kế họach triển khai.

-Trong quá trình triển khai nhiệm vụ phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra, động viên, khuyến khích và cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời.

-Thực hiện xong công việc, chương trình, dự án phải sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; động viên, biểu dương khen thưởng những cá nhân, tổ chức có đóng góp vào công việc ấy, đồng thời cũng phê phán những cá nhân đối tượng gây khó khăn làm chậm trễ công việc, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của tỉnh nhà.

- Công tác dân vận phải được tiến hành song song với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, phải thường xuyên liên tục, mọi lúc, mọi nơi ngay từ khi triển khai nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và tiếp tục cho công việc khác.

Để tạo sự đồng thuận cao, huy động được tất cả mọi người dân vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà, tất cả cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải có phương pháp, cách thức xử sự tốt, luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, bổn phận, sẳn lòng phục vụ khi tiếp xúc, quan hệ giải quyết công việc với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, với mọi người và công dân.

Trước hết, người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người lãnh đạo, quản lý phải kỹ cương, gương mẫu là tấm gương tốt về phẩm chất đạo đức, lối sống, phải công khai, minh bạch trong điều hành, quản lý cơ quan, công việc, phải am hiểu chuyên sâu, có kiến thức kỹ năng trong lĩnh vực phụ trách và sau cùng là phải nhiệt huyết, say mê với công việc, làm việc hết mình vì trách nhiệm, bổn phận và danh dự của mình, của cơ quan, đơn vị và ngành mình phụ trách, của quê hương mình đang sinh sống.

Sau đó, tất cả cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang của hệ thống chính trị toàn tỉnh sẽ noi theo và làm tấm gương tốt cho tất cả nhân dân, luôn luôn trách nhiệm, bổn phận, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, từ đó huy động tất cả nhân dân tin tưởng làm theo; tích cực đổi mới trong sản xuất và đời sống, đóng góp vật chất, công sức mỗi người một ít, không sót một người dân nào, sẽ góp phần phát triển quê hương Ninh Thuận giàu mạnh, xanh, sạch, đẹp và văn minh.