Giai đoạn 2011 - 2015 đào tạo mới trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề khoảng 2,1 triệu người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 7,5 triệu người, trong đó có 4,7 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020)" (Đề án 1956).
Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55% vào năm 2020 - Ảnh minh họa
Giai đoạn 2016 - 2020 đào tạo mới trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề khoảng 2,9 triệu người (trong đó 10% đạt cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế), sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 10 triệu người, trong đó có 5,5 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án 1956...
Tập trung đầu tư những cơ sở dạy nghề trọng điểm, nghề trọng điểm
Để đạt được các mục tiêu chiến lược, cần thực hiện đồng bộ 9 giải pháp, trong đó giải pháp "Đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề" và giải pháp "Phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề" là hai giải pháp đột phá; giải pháp "Xây dựng khung trình độ nghề quốc gia" là giải pháp trọng tâm.
Giải pháp còn là việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia về trình độ đào tạo, kỹ năng và sư phạm nghề. 100% số giáo viên này phải đạt chuẩn vào năm 2014.
Ngoài ra, xây dựng khung trình độ nghề quốc gia tương thích với khung trình độ giáo dục quốc gia; hoàn thiện khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; ban hành các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho các nghề phổ biến...
Gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và doanh nghiệp
Chiến lược cũng đưa ra giải pháp gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp. Theo đó, xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa dạy nghề với thị trường lao động ở các cấp (cả nước, vùng, tỉnh, huyện, xã) để đảm bảo cho các hoạt động của hệ thống dạy nghề hướng vào việc đáp ứng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của người sử dụng lao động và giải quyết việc làm.
Doanh nghiệp có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo kỹ năng nghề của người lao động trong doanh nghiệp của mình (tự tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho lao động của doanh nghiệp; phối hợp với cơ sở dạy nghề để cùng đào tạo, đặt hàng đào tạo); có trách nhiệm đóng góp vào quỹ hỗ trợ học nghề; đồng thời trực tiếp tham gia vào các hoạt động đào tạo nghề (xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, xác định danh mục nghề, xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập của học sinh học nghề...).
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin về nhu cầu việc làm (số lượng cần tuyển dụng theo nghề và trình độ đào tạo, yêu cầu về thể lực, năng lực khác...) và các chế độ cho người lao động (tiền lương, môi trường và điều kiện làm việc, phúc lợi...) cho các cơ sở dạy nghề; đồng thời thường xuyên có thông tin phản hồi cho cơ sở dạy nghề mức độ hài lòng đối với "sản phẩm" đào tạo của cơ sở dạy nghề.
Nguồn www.chinhphu.vn