Cuốn sách cung cấp các thông tin cập nhật nhất về nông nghiệp, rừng, đa dạng sinh học, năng lượng, khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nước, vệ sinh, môi trường, sức khỏe con người và các đại dương. Sách giới thiệu bộ các chỉ số mới về môi trường biển và đại dương, bao gồm tỷ lệ phần trăm vùng lãnh hải của các nước nằm trong các khu vực biển và đại dương được bảo vệ, các rặng san hô và rừng đước cũng như những khu vực ngư trường đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Trong số các dữ liệu về phát triển bền vững, sách cung cấp các chỉ số tiết kiệm thực đã được điều chỉnh trên cơ sở đầu tư vào nguồn vốn con người, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên và những thiệt hại do ô nhiễm. Sách cũng cung cấp các chỉ số thu nhập quốc dân thực đã được điều chỉnh trên cơ sở những số liệu bao quát về thu nhập quốc dân, sự cạn kiệt của các nguồn năng lượng, rừng và khoáng sản.
Phó Chủ tịch WB về phát triển bền vững, Râysen Cai (Rachel Kyte), nêu rõ rằng “Sách dữ liệu xanh năm 2012” này là bổ sung quan trọng vào bộ công cụ để các nước có thể đo lường, đánh giá và quản lý tốt hơn các nguồn vốn tự nhiên. Sách này có thể giúp giới hoạch định chính sách các nước, các cộng đồng dân cư và các cơ quan hữu quan khác tính toán giá trị của những nguồn tài nguyên thiên nhiên và xác định vai trò của chúng trong phát triển. Khai thác quá mức và quản lý kém các nguồn tài nguyên biển và đại dương đang làm mất đi các cơ hội phát triển các nguồn sinh sống của con người, làm trầm trọng hơn những hiểm họa đối với an ninh lương thực toàn cầu và phá hoại các cơ hội kinh tế của các nước nghèo nhất thế giới. Sự giàu có và phong phú của các nguồn hải sản, du lịch sinh thái, bảo vệ bờ biển, lưu giữ cácbôníc (CO2) và một loạt các dịch vụ biển khác chỉ có thể được cung cấp từ các đại dương sống và lành mạnh.
Theo dữ liệu của WB, các nguồn hải sản toàn cầu nếu được quản lý tốt có thể tăng thêm từ 120 tỷ đến 900 tỷ USD, trong đó nguồn tăng lớn nhất là ở châu Á. Các nguồn hải sản cũng đặc biệt quan trọng đối với các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các cộng đồng dân cư ven biển. Đối với các nước thu nhập thấp, nguồn vốn tự nhiên là tài sản thiết yếu nhất, chiếm gần 36% tổng nguồn tài sản quốc gia. Các cộng đồng dân cư nghèo nhất phụ thuộc vào hệ sinh thái cho cuộc sống hàng ngày của họ. Khi các nước tăng trưởng, sức ép lên đất đai và nguồn nước cũng tăng lên đe dọa hệ sinh thái và đời sống mà hầu như không có nguồn tài nguyên nào có thế bù đắp được những tổn thất này. Thông qua “Sách dữ liệu xanh 2012”, WB muốn thúc đẩy các nước hòa nhập những nguồn vốn tự nhiên vào tài khoản quốc gia để xác định các ưu tiên và hoạch định chính sách.
Theo TTXVN