Chật vật máy tính thương hiệu Việt

Hơn 10 năm hiện diện, máy tính để bàn và xách tay thương hiệu Việt vẫn loay hoay và chật vật tìm chỗ đứng. Vậy liệu những máy tính bảng thương hiệu Việt có tìm được chỗ đứng?

Thương hiệu máy tính Việt Nam đã hiện diện trên thị trường được trên dưới 10 năm, với những sự ra mắt được kỳ vọng cao. Thế nhưng trong suốt thời gian đó, các công ty máy tính Việt Nam chưa vượt ra khỏi giới hạn lắp ráp những mẫu máy tính để bàn đồng bộ trang bị cho văn phòng, trường học.

 Máy tính bảng Bipad. Ảnh VnE

Theo một khảo sát do hãng nghiên cứu thị trường IDC công bố, 80% thị trường máy tính bàn nằm trong tay các DN Việt, với những thương hiệu phổ biến như FPT Elead, CMS, VTB hay Fantom. 

Thế nhưng trên thực tế, con số này thực ra không còn hấp dẫn như người ta tưởng. Không DN Việt nào lọt vào top 5 nhà cung cấp máy tính lớn nhất thị trường. Với việc các mẫu máy tính xách tay thương hiệu lớn càng ngày càng hấp dẫn hơn về cấu hình, mẫu mã và tốt hơn về giá, có vẻ như người tiêu dùng không còn mấy mặn mà với những chiếc máy tính để bàn thương hiệu Việt. 

Cô Lê Minh Thu, một người tiêu dùng cho biết, cô không quan tâm đến thương hiệu mà chỉ quan tâm đến chất lượng. Tuy nhiên, từ trước đến nay, “cô thực sự chưa nghe thấy thương hiệu máy tính Việt”. Còn anh Hoàng Giang am hiểu hơn, thì cho rằng, thương hiệu Việt thực sự chưa đủ mạnh. “Nói là thương hiệu việt nhưng thực tế nguồn gốc vẫn là từ nước ngoài mang về”. Anh Giang khẳng định, “chắc chắn là giá rẻ sẽ không bao giờ tốt được”. 

Được biết, hiện các máy tính để bàn thương hiệu Việt hầu hết dừng lại ở các cấu hình phổ thông, chính vì thế không thuyết phục được đối tượng khách hàng có nhu cầu cao về đồ họa. 

Tại Mỹ và châu Âu, máy tính xách tay và máy tính bảng chiếm đến 70-80% thị trường máy tính. Tương tự tại Việt Nam, thị trường máy tính bàn đang ngày càng bị co hẹp lại với sự chiếm lĩnh của máy tính xách tay và máy tính bảng. Thế nhưng thực tế hiện các công ty Việt Nam gần như bỏ ngỏ 2 phân khúc thị trường này. 

Theo anh Bùi Mạnh Thắng, phụ trách phát triển kinh doanh công ty máy tính Hà Nội, trước đây Việt Nam đã có một số nhãn hiệu máy tính xách tay của CMS hay FPT, “nhưng chỉ là OEM, nghĩa là mình nhập về và lắp ráp vào với nhau. Tuy nhiên tính năng và mẫu mã chưa có nhiều biến chuyển nên không thuyết phục”. Anh Thắng kết luận: “Laptop Việt Nam hiện có thể nói chưa có chỗ đứng trên thị trường”. 

Thị trường máy tính bảng ở Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng 85% trong năm 2012, theo số liệu của IDC. Một vài doanh nghiệp Việt Nam đã manh nha những kế hoạch để giành miếng bánh thị phần hấp dẫn này. 

Trong tháng 4, chiếc máy tính bảng thương hiệu Việt Nam đầu tiên có tên gọi Bipad đã ra mắt thị trường và được người tiêu dùng đón nhận do mức giá sốc dưới 2 triệu đồng. Tương tự, Viettel cũng đưa ra thông tin về một chiếc máy tính bảng giá khoảng 4 triệu. Nhưng theo các công ty kinh doanh máy tính, lợi thế cạnh tranh về giá sẽ khó được duy trì lâu khi các thương hiệu máy tính bảng giá rẻ của thế giới đang tràn vào Việt Nam. 

Anh Thắng cho rằng, muốn đứng vững được, các công ty Việt Nam phải đầu tư đồng bộ vào tính năng cạnh tranh, giá cả và chiến lược marketing. 

Với nhiều người tiêu dùng, thương hiệu Việt Nam vẫn có lợi thế nhất định nếu được chăm chút hơn về chất lượng cũng như nội dung được Việt hóa. Tuy nhiên để thương hiệu máy tính Việt Nam thực sự có chỗ đứng, vẫn đòi hỏi những thay đổi mang tính chiến lược. 

Còn thời điểm hiện tại, với việc dư địa cho thị trường nông thôn và các dự án trang bị máy tính cho văn phòng vẫn còn tương đối lớn, những mẫu máy tính để bàn Việt Nam với cấu hình và giá cả dễ chấp nhận vẫn sẽ có sức sống nhất định.

Nguồn VTV.VN