Ngành Ngân hàng cùng doanh nghiệp gỡ khó

(NTO) Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và Thông tư số 14/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại (NHTM) trong tỉnh đang thực hiện việc rà soát, đánh giá lại hiện trạng nợ của các khách hàng để xem xét vay mới, với mong muốn cùng các doanh nghiệp (DN) vượt khó trong thời điểm kinh tế suy giảm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong 4 tháng đầu năm nay, các NHTM trên địa bàn tỉnh tập trung vốn cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, với dư nợ 5.560 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 90,5%, tăng 25,44% so với cùng kỳ năm 2011.

Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận.
Ảnh: Văn Miên

Trong đó, dư nợ cho vay nông- lâm nghiệp, thủy sản là 1.480 tỷ đồng, công nghiệp xây dựng 1.710 tỷ đồng, thương mại-dịch vụ 2.370 tỷ đồng. Theo niêm yết của các NHTM, lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh thông thường ngắn hạn phổ biến từ 15,5-17%, giảm 1,5-2% so với cuối năm 2011; trung và dài hạn từ 18-19%, giảm 1%; cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu ngắn hạn phổ biến 14-16,5%, giảm từ 1-1,5% và trung hạn, dài hạn 17-18%, giảm 0,5-1%.

Đến cuối tháng 4-2012, ở tỉnh ta có 862 DN có nợ vay ngân hàng, chiếm 74,5% trong tổng số DN đang hoạt động, với dư nợ là 2.715 tỷ đồng, tăng 20,6% về dư nợ và tăng 4,36% về số DN so với cùng kỳ. Trong đó dư nợ ngắn hạn 1.585 tỷ đồng, dư nợ trung hạn và dài hạn 1.130 tỷ đồng. Thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, từ tháng 9-2011, bên cạnh hạ lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xuống 17-19%, các chi nhánh NHTM trong tỉnh đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho 196 DN, với doanh số 766 tỷ đồng. Trong đó cho vay ngắn hạn DN hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn 249 tỷ đồng, lãi suất 14,5-15%; cho vay ngắn hạn tài trợ xuất khẩu 41,5 tỷ đồng, lãi suất 14-14,5%; cho vay ngắn hạn lãi suất ưu đãi đối với DN vừa và nhỏ 428,7 tỷ đồng, lãi suất 15-15,5%; tín dụng khó khăn về tài chính (thu gốc trước, trả lãi sau) 31,8 tỷ đồng, lãi suất 15% và cho vay trung, dài hạn bằng nguồn vốn quốc tế 15 tỷ đồng, lãi suất 18,5%.

Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Ninh Thuận đáp ứng nhu cầu giao dịch
của khách hàng. Ảnh: Văn Miên

Từ kết quả trên, cho thấy tình hình quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với DN có tăng trưởng, đáp ứng cơ bản vốn tín dụng (chủ yếu vốn ngắn hạn) cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn. Cơ cấu đầu tư tín dụng tập trung cho sản xuất, kinh doanh, giảm cho vay lĩnh vực phi sản xuất. Tuy nhiên nợ xấu cho vay DN đến hết tháng 4-2012 ở mức khá cao, với 79,6 tỷ đồng, chiếm 3,16% trong tổng dư nợ cho vay DN, chiếm trên 49% trong tổng nợ xấu toàn địa bàn, tăng 62,45% so với cùng kỳ năm 2011. Qua đó cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN đang gặp khó khăn dẫn đến khả năng trả nợ vốn vay thấp, nợ xấu cao.

Để cùng các DN trong tỉnh vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì sản xuất, các NHTM trong tỉnh đã vào cuộc bằng việc cơ cấu lại nguồn vốn, gia hạn vốn vay cũ, cho vay vốn mới để tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức tín dụng cùng với khách hàng rà soát, đánh giá khả năng trả nợ vay để tháo gỡ khó khăn cho DN, vay trong việc trả nợ vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án vay vốn, khả năng trả nợ của khách hàng. Trên cơ sở đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay và khả năng tài chính của mình, tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ đối với khách hàng vay không có khả năng trả nợ đúng hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Theo Quyết định 780/QĐ-NHNN ngày 23-4-2012, các khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ do tổ chức tín dụng đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ được giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại theo quy định trước khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ.

Trên cơ sở khả năng tài chính và chính sách khách hàng của các NHTM, sẽ xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của hợp đồng tín dụng xuống theo mức lãi suất hiện hành, nhất là các lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động.

Kể từ ngày 8-5-2012, khách hàng có đủ điều kiện vay vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh, cung cấp các thông tin, tài liệu chứng minh mục đích vay vốn được vay vốn ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tối đa 15%. Ngoài mức lãi suất trên, các tổ chức tín dụng không thu các loại phí liên quan đến khoản vay của khách hàng, trừ một số khoản phí theo quy định tại Thông tư số 05/ 2011/TT-NHNN ngày 10-3-2011. Quy định này được áp dụng cho 4 nhóm đối tượng ưu tiên theo Thông tư 14/2012/TT-NHNN.

Thực hiện Quyết định số 13/QĐ-CP “Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường” và những động thái tích cực trong lộ trình giảm lãi suất cho vay cho sát với tình hình thực tế của các tổ chức tín dụng trong tỉnh, đó là những “cú hích” mạnh để các DN trong tỉnh vượt qua thời điểm khó khăn trước mắt, tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả tỉnh.

Ông Lê Văn Cương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh:

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các NHTM thực hiện đúng theo tinh thần Thông tư 14/2012/TT-NHNN, ngày 4-5-2012 của Ngân hàng Nhà nước, giảm lãi suất cho vay vốn tối đa 15%/năm; ưu tiên cho 4 nhóm đối tượng: phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động. Nội dung mới trong giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN của ngành Ngân hàng là xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc hoặc lãi vốn vay, cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng, xem xét cho vay mới đối với nhu cầu vốn vay hiệu quả, phương án sản xuất- kinh doanh mới có tính khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ. Hiện nay, ở tỉnh ta gặp khó nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. UBND tỉnh đã chỉ đạo cho ngành chức năng thành lập tổ kiểm tra liên ngành, hỗ trợ các DN trong việc quyết toán các công trình xây dựng để đánh giá thực chất khả năng tài chính của DN. Đây là cơ sở để các tổ chức tín dụng trong tỉnh xem xét cho các DN tiếp cận với nguồn vốn vay mới để tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động, nhưng phải đảm bảo đủ các điều kiện vay vốn.
Ông Nguyễn Tấn Viện, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh:

Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh đã tiên phong trong việc đồng hành với DN. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã điều chỉnh 4 lần giảm lãi suất cho vay, theo đó vốn vay ngắn hạn cho các DN giảm xuống dưới 15%, đối với nguồn vốn trung và dài hạn thực hiện lộ trình giảm lãi suất mỗi quý một lần. Hiện nay, quan hệ của ngân hàng với các DN trong tỉnh không có nhiều biến động. Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đơn vị tiếp tục đồng hành với DN để cùng tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đầu tư duy trì sản xuất, kinh doanh. Từ ngày 15-5-2012, đối tượng trong lĩnh vực ưu tiên áp dụng lãi suất vay ngắn hạn từ 14-15%/năm; cho vay dài hạn thực hiện định kỳ mỗi quý một lần; không áp dụng lãi suất phạt khi điều chỉnh kỳ hạn kể cả hợp đồng cũ và mới, khi cơ cấu nợ bằng lãi suất cho vay hiện hành cộng với 0,5% tương ứng với kỳ hạn, loại DN. Đối với khách hàng có mối quan hệ tốt với ngân hàng, đơn vị không xem xét lịch sử kinh doanh của DN, sẽ tiếp tục cho vay mới trên cơ sở có phương án sản xuất, kinh doanh mới hiệu quả.
Ông Hồ Nam, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh:

Hiện nay, cơ cấu cho vay vốn của đơn vị có đến 70% khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu là hộ gia đình, mức vay vốn thấp. Trong 4 tháng đầu năm, lãi suất cho vay của đơn vị giảm đáng kể, trung bình dưới 18%/năm. Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước theo Thông tư số 14/2012/TT-NHNN, từ ngày 8-5-2012, đơn vị đã áp dụng cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng, tối đa là 15%/năm, tập trung chủ yếu cho các nhóm đối tượng ưu tiên, nhất là đối tượng thuộc lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP. Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đối với hợp đồng tín dụng đã giải ngân cho các nhóm lĩnh vực ưu tiên còn dư nợ ở mức lãi suất cao sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay ở mức hợp lý đối với dư nợ còn lại, phù hợp với khả năng tài chính của ngân hàng và tài chính của khách hàng.