Những doanh nghiệp khó khăn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp
sản xuất gia công trong ngành sản xuất chế biến nông lâm thủy hải sản, dệt may,
da giày, linh kiện điện tử...
Giảm áp lực thiếu vốn cho doanh nghiệp
Đánh giá về các giải pháp hỗ trợ DN trong Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường mà Chính phủ vừa đưa ra, ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, đây là những giải pháp tập trung nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN và được triển khai đồng thời với việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới DN Nhà nước, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và hệ thống ngân hàng; đổi mới chính sách chi tiêu công… và đồng bộ với giải pháp Chính phủ đã và đang chỉ đạo thực hiện từ đầu năm 2012 để đảm bảo tính nhất quán trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Nghị quyết 13/NQ-CP đã nêu rõ tình hình khó khăn của DN hiện nay. Các giải pháp trong Nghị quyết không chỉ thể hiện sự chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN mà còn thể hiện quyết tâm của Chính phủ để vực dậy nền kinh tế.
Theo ông Thăng, gói hỗ trợ của Chính phủ chủ yếu tập trung vào các hỗ trợ về thuế như miễn, giảm thuế thu nhập DN, giãn thuế giá trị gia tăng, giảm 50% tiền thuê đất của DN… thể hiện sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. “Có duy trì được mức lạm phát thấp, ổn định, chúng ta mới hạ được mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận tín dụng với chi phí thấp để có thể giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh”, ông Thăng chia sẻ quan điểm.
Hoan nghênh các giải pháp Chính phủ vừa đưa ra nhằm hỗ trợ DN, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam cho rằng đây là việc làm thể hiện bàn tay hữu hình của Nhà nước trong điều hành kinh tế đất nước. Gói giải pháp này sẽ tháo gỡ khó khăn cho DN, tuy có việc tháo gỡ nhiều, có việc tháo gỡ ít. Đáng chú ý, việc gia hạn thuế giá trị gia tăng coi như cho DN được vay với lãi suất bằng 0% trong 6 tháng để có vốn duy trì sản xuất kinh doanh. Theo ông Thụ, có thể coi giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng là thiết thực nhất với DN trong thời điểm hiện nay.
“Giải pháp của Chính phủ lúc này là điều các DN xi măng đang mong đợi”, ông Đỗ Đức Oanh, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam bày tỏ. Hiện nay các DN sản xuất xi măng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn cho sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Theo Nghị quyết 13/NQ-CP, các DN xi măng cũng là một trong những đối tượng được hỗ trợ. “Hy vọng khi Nghị quyết đi vào thực thi thì các DN xi măng sẽ được hưởng lợi nếu được vay vốn cho sản xuất kinh doanh với lãi suất 15% (giải pháp 8b) và được cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn trả nợ đầu tư (giải pháp 8c)”, ông Oanh nói.
Một trong những giải pháp được nhiều DN mong đợi nữa đó là việc giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 cho DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Theo ông Đoàn Đức Mậu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Chiếu sáng & Thiết bị Đô thị (Hapulico), giải pháp đề ra là kịp thời, đúng mục tiêu và đối tượng chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Điều này thể hiện chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm giảm bớt những khó khăn cho DN trong giai đoạn hiện nay. Tiền thuê đất được giảm cũng là khoản tiền lớn giúp DN giảm chi phí đầu vào. Các dự án bất động sản cũng có cơ hội được hưởng lợi từ chính sách này.
Còn theo ông Nguyễn Tuấn Lương, Giám đốc Công ty CP Lạc Việt (Hà Nội), gói hỗ trợ mà Chính phủ vừa công bố là liều thuốc khá hữu hiệu cho DN trong giai đoạn hiện nay. Nếu những đề xuất này được thông qua trong tháng 5, có không ít DN sẽ được “cứu”.
“Chỉ nói riêng ở khu vực DN bất động sản, nếu không có chính sách này, chúng tôi không có tiền để đóng cho Nhà nước và cũng không thể tiếp cận nguồn vốn vay chỉ để giải quyết nợ thuế vì đầu ra khó khăn, doanh thu giảm, DN không dám vay. Trường hợp được giãn thuế 6 tháng, DN sẽ sử dụng số tiền này tái đầu tư, tiếp tục triển khai dự án, thay vì phải tiếp tục gồng gánh phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng”, ông Lương cho biết.
Để chính sách thực sự là đòn bẩy của DN
Có cái nhìn tích cực về nhóm giải pháp “cứu” DN của Chính phủ cách đây ít ngày nhưng theo ý kiến của một số Hiệp hội DN và DN, một trong những điều quan trọng hiện nay với DN là làm sao để Nghị quyết nhanh chóng phát huy tác dụng.
Về vấn đề này, theo ông Đoàn Đức Mậu, Phó Giám đốc Công ty Hapulico Chính phủ phải khẩn trương triển khai với tinh thần quyết liệt, sâu sát với mục tiêu giúp đỡ DN là giúp cho nền kinh tế nước ta vượt qua khó khăn và góp phần vào ổn định xã hội.
Để làm được điều đó ông Mậu cho rằng, việc trước tiên cơ quan chức năng phải sớm ban hành hướng dẫn thực hiện, sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng, tránh trường hợp cán bộ thanh tra, kiểm tra bắt bẻ DN câu chữ khi áp dụng.
Ngoài ra, theo ông Mậu cần chú trọng công tác rà soát, khảo sát, kiểm tra việc triển khai Nghị quyết, kịp thời chấn chỉnh, gỡ bỏ những rào cản, vướng mắc trong thực hiện. Tránh tối đa tình trạng trên “mở”, dưới “bó” dẫn đến DN ít được hưởng lợi thực từ các gói giải pháp của Chính phủ.
Từ góc độ tiếp cận khác, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam cho rằng, rất nhiều DN Việt hiện đang rơi vào khủng hoảng, gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên để gói giải pháp phát huy hết tác dụng thì rất cần một sự minh bạch, cụ thể trong điều hành, chẳng hạn các đối tượng được giãn thuế giá trị gia tăng cần được làm rạch ròi, cần lấy ý kiến của các hiệp hội ngành hàng để tìm đúng đối tượng được hưởng lợi của việc này. Cần tập trung nguồn lực cứu những DN đang cực kỳ khó khăn vì thiếu công ăn việc làm, hàng tồn kho ứ đọng và vấn đề lớn nhất là phải tạo thị trường.
Để các giải pháp hỗ trợ đến với DN sản xuất xi măng, ông Đỗ Đức Oanh, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng đề nghị Nhà nước có biện pháp để tiêu thụ xi măng trong nước vì dư thừa công suất hiện nay là trên 10 triệu tấn.
Ngoài ra, các ngân hàng có thể giúp các DN xi măng cơ cấu lại nợ vay đầu tư đối với các khoản vay nước ngoài phải giãn nợ và cơ cấu lại danh mục nợ. Đối với các khoản vay trong nước, đây đều là vốn vay thương mại rất lớn nên việc trả nợ gốc và lãi là hết sức khó khăn, do đó ông Oanh đề nghị được khoanh nợ, lui thời gian trả nợ cho các khoản vay đến hạn.
Còn theo quan điểm của ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, DN là một bộ phận của nền kinh tế, các DN “bị bệnh” sẽ kéo theo sự “đau ốm” của cả nền kinh tế, gói giải pháp của Chính phủ đưa ra để hỗ trợ thị trường có thể coi là “một thang thuốc có nhiều vị”, ngoài việc “chữa bệnh” theo kiểu trọng tâm, trọng điểm, còn cần có cách “bồi bổ” toàn diện để nền kinh tế có sức phục hồi.
Đối với ông Đinh Huy Tam, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, điều quan trọng số một với các DN hiện nay là ngoài các gói hỗ trợ có thời hạn, Chính phủ cần có các biện pháp mang tính chất dài hơi để trên cơ sở đó tiếp sức cho các DN phát triển bền vững trên chặng đường dài.
Nguồn www.chinhphu.vn