Các đại biểu đã chỉ ra nhiều bất cập trong chính sách tiền lương hiện tại (Ảnh: KT)
Sáng 17-5, tại Hà Nội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Chính sách tiền lương: thực trạng và giải pháp cải cách”. Hội thảo đã cung cấp thông tin và bước đầu đề xuất xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn, các giải pháp cho Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công giai đoạn 2012-2020”.
Chính sách tiền lương tồn tại nhiều bất cập
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, đến thời điểm này, nhìn lại chính sách tiền lương cho thấy rất rõ nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước cũng như nhu cầu của người lao động. Cụ thể, chính sách tiền lương hiện hành cho thấy, có sự bất cập khi chúng ta thực hiện 2 loại lương tối thiểu khác nhau ở khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp, tạo ra sự phân chia nhu cầu sống tối thiểu của người lao động khác với cán bộ, công chức nhà nước. Bà Trương Thị Mai chỉ rõ, mức lương tối thiểu của đối tượng hưởng lương ngân sách nhà nước vẫn rất thấp. Cụ thể, mức lương tối thiểu đến tháng 5-2012 là 1.050.000 đồng/ tháng, chỉ bằng 75% vùng IV( vùng thấp nhất của khu vực doanh nghiệp); đồng thời mới đạt 37,5% nhu cầu tối thiểu ( nếu tính cả 25% phụ cấp công vụ thì đạt khoảng gần 50% nhu cầu tối thiểu). Chủ nhiệm Trương Thị Mai ước tính “một sinh viên mới tốt nghiệp đại học đi làm thì lương khoảng 3 triệu đồng/tháng (tính cả 25% phụ cấp công vụ), cao nhất là mức lương của Bộ trưởng khoảng 13 triệu/ tháng”.
Về quan hệ tiền lương, từ tháng 10-2004, đã thực hiện mở rộng quan hệ lương tối thiểu – trung bình – tối đa từ 1-1,78-8,5 lên 1- 2,34 -10. “ Tuy nhiên, quan hệ lương tối thiểu – trung bình – tối đa 1 -2,34 -10 hiện nay vẫn còn thấp hơn nhiều so với các mức lương trên thị trường” – Chủ nhiệm Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, từ tháng 10-2004 có 14 loại phụ cấp, đến nay đã có 17 loại phụ cấp (bổ sung 3 loại phụ cấp mới, đồng thời vừa nâng mức phụ cấp, vừa mở rộng đối tượng hưởng theo đặc thù ngành, nghề), do đó đã bổ sung thu nhập đáng kể cho người hưởng lương. Tuy nhiên, số lượng ngạch, bậc lương vẫn khá phức tạp.
Về nguồn cho lương, bà Trương Thị Mai cho biết, đã thực hiện 4 nguồn trả lương (10% tiết kiệm chi thường xuyên; 35-40% số thu được để lại theo chế độ; 50% tăng thu ngân sách địa phương và nguồn từ ngân sách Trung ương). Song theo bà, việc đảm bảo nguồn chi cho lương là khó.
Còn theo ông Hoàng Minh Hào, Vụ Phó Vụ Lao động – Tiền lương ( Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu chung tăng từ 450.000 đồng/ tháng lên 1.050.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Hào đánh giá các mức lương tối thiểu hiện nay vẫn còn thấp, chưa bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động.
Ông cũng chỉ ra rằng, hệ thống thang lương bảng lương hiện nay ngày càng xa rời với thực tế, xây dựng theo những nguyên tắc từ những năm 1960 theo mô hình của Liên Xô cũ. Nguyên tắc thiết kế thang lương, bảng lương từ năm 1985 đến nay cũng không có gì thay đổi. Do vậy, hệ thống thang lương, bảng lương thì không linh hoạt, mềm dẻo và không phù hợp với cơ chế thị trường.
Về cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước, mặc dù từng bước theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, song trên thực tế, tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh. Một số doanh nghiệp hiệu quả thấp nhưng vẫn hưởng lương cao, có doanh nghiệp tiền lương cao không phải do năng suất và hiệu quả cao mà chủ yếu do lợi thế. Trong khi đó, các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp FDI lại có xu hướng ép tiền lương của người lao động gần mức lương tối thiểu, trong khi năng lực thỏa thuận tiền lương còn hạn chế dẫn đến quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo, quan hệ lao động có xu hướng diễn biến phức tạp.
Cải cách tiền lương theo hướng nào?
Theo bà Trương Thị Mai, cải cách chính sách tiền lương là một trong những thách thức rất lớn đối với mỗi quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển, ngân sách dành cho quỹ lương còn hạn chế. Bà Trương Thị Mai cho rằng, trong các giải pháp cải cách tiền lương phải hướng đến một mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội do Chính phủ công bố hoặc chỉ có lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp, làm cơ sở để người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận tiền lương. Còn đối với khu vực nhà nước thì xây dựng mức tiền lương cơ bản tương ứng mức lương trung bình khá trong xã hội để trả cho cán bộ công chức – loại lao động công vụ, lao động đặc thù thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức cần và phải không thấp hơn mức lương tối thiểu của người lao động trong doanh nghiệp trên cùng địa bàn.
Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Mai, mức lương tối thiểu cần được xác định để điều chỉnh từng bước theo lộ trình gắn với đổi mới hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công và phù hợp với khả năng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, đồng bộ với tiền lương phải là vấn đề năng suất, hiệu quả công việc. Đối với bộ máy Nhà nước, đó là việc sắp xếp lại theo mô hình vị trí việc làm, đổi mới cơ chế tự chủ trong khu vực dịch vụ công và tạo nguồn để đảm bảo chi trả lương phù hợp với chất lượng, hiệu quả công việc.
Còn theo ông Hoàng Minh Hào, mục tiêu trong cải cách tiền lương là phải xây dựng được chính sách tiền lương linh hoạt, mềm dẻo phù hợp với cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó, phải bảo đảm cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tồn tại và phát triển, đồng thời bảo đảm quyền lợi của người lao động trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Để khắc phục những tồn tại của chính sách tiền lương hiện nay, ông Hoàng Minh Hào cho rằng, phương pháp xác định mức lương tối thiểu phải dựa vào nhu cầu tối thiểu của người lao động là chủ đạo, và có tham chiếu đến các điều kiện khả năng của nền kinh tế, khả năng chi trả của doanh nghiệp, mức tiền công trên thị trường, việc làm, thất nghiệp.
Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện, quy định các nguyên tắc và giao cho doanh nghiệp tự xây dựng thang lương, bảng lương phù hợp với điều kiện thực tế của từng doanh nghiệp để xếp lương, trả lương và thực hiện chế độ với người lao động. Riêng đối với viên chức quản lý doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước vẫn quy định bảng lương để bảo đảm cân đối hợp lý giữa các chức danh trong khu vực nhà nước, có tính đến tổng quan tiền lương các chức danh trên thị trường…./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam