Hiệu quả từ đào tạo nghề qua “kênh” Hội Nông dân

(NTO) Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã hình thành hệ thống đào tạo nghề gắn với hỗ trợ việc làm cho nông dân các địa phương. Thông qua Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã làm tốt công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề có hiệu quả cho nông dân tỉnh nhà.

(NTO) Năm 2006, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, thuộc Hội Nông dân tỉnh được thành lập, nhằm phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đào tạo nghề cho nông dân. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm đã đạt được nhiều kết quả trong công tác đào tạo nghề cho nông dân, góp phần cùng với các cấp, ngành hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực lao động nông thôn.

Nông dân thôn Tuấn Tú, xã An Hải, Ninh Phước áp dụng kỹ thuật thâm canh bằng mô hình tưới phun
trên cây dưa, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Duy Anh

Trong 6 năm qua, Trung tâm đã tổ chức mở được 80 lớp, với 2.382 người tham gia. Các nghề được đào tạo chủ yếu: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… Hàng năm, Trung tâm ký hợp đồng trách nhiệm với Sở LĐ-TB&XH tỉnh để mở các lớp dạy nghề cho vùng 135 theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Trong đó, học viên được hỗ hợ 100% kinh phí đào tạo, sau khi học xong được giới thiệu việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với cơ quan khuyến nông, khuyến ngư tổ chức các buổi chuyển giao khoa học- kỹ thuật về nông, lâm, thủy sản, tiểu- thủ công nghiệp, nhất là chuyển giao công nghệ những ngành nghề đã học cho hội viên nông dân, hàng năm có khoảng 30.000 lượt người tham gia. Nông dân học nghề và làm nghề đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển KT-XH ở địa phương.

Mô hình “Nuôi cá điêu hồng thương phẩm” của nông dân
xã Xuân Hải (Ninh Hải) đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thảo Tiên

Để công tác dạy nghề đạt hiệu quả cao, Trung tâm cử cán bộ tìm hiểu tình hình lao động ở từng địa phương, từ đó lựa chọn những đơn vị có đủ tư cách pháp nhân để liên kết, hợp tác dạy nghề và giới thiệu việc làm cho nông dân. Nhằm giúp học viên tiếp nhận nghề nhanh, Trung tâm có chủ trương đa dạng hóa các phương thức dạy nghề và ứng dụng một số hình thức dạy nghề linh hoạt: lấy thực hành làm chính, học ngay tại đồng ruộng, tại công xưởng, tại doanh nghiệp... Đồng chí Nguyễn Văn Ngọt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Dạy nghề cho nông dân đã khó, để nông dân áp dụng được, sống được với nghề lại càng khó hơn. Do đó, để nông dân tích cực và hứng thú với việc học nghề thì chất lượng đào tạo phải được ưu tiên hàng đầu. Nhờ vậy những năm qua, tỷ lệ học viên của Trung tâm sau khi học nghề gắn bó với nghề đạt hơn 90%”. Hình thức giảng dạy chủ yếu là tại địa bàn nông thôn, dựa vào hệ thống tổ chức của Hội, lấy cơ sở Hội làm trung tâm mở lớp đào tạo nghề, các chi hội ở từng thôn làm điểm học nghề theo từng mô hình kinh tế. Hội Nông dân cơ sở có trách nhiệm chỉ đạo cho các chi hội vận động hội viên nông dân tham gia các lớp học nghề tại chỗ. Cách làm này phù hợp với nông dân vì không phải đi xa, có điều kiện thu xếp công việc hợp lý để tham gia khóa học, nên tỷ lệ học viên lên lớp cao và thi tốt nghiệp đầu ra đều đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng mà nghề được đào tạo.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về đào tạo kiến thức, trình độ nghề cho lao động nông thôn theo hướng giảm dần tỷ trọng thuần nông, tăng dần tỷ trọng lao động công nghiệp- dịch vụ để tạo ra nhiều chỗ làm, nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng nông thôn mới và đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, trong thời gian tới, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân. Trong đó, tập trung đào tạo những ngành nghề phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đào tạo nghề theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh nhà. Chú trọng đào tạo nghề cho nông dân ở các vùng đất được Nhà nước quy hoạch để phát triển khu công nghiệp của tỉnh, các ngành nghề theo hướng công nghiệp- dịch vụ- thương mại- du lịch… Đẩy mạnh hoạt động và nâng cao chất lượng công tác dạy nghề, mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân, đáp ứng được nhu cầu phát triển KT-XH ở địa phương. Thực hiện loại hình đào tạo nghề ngắn hạn, chủ yếu là đào tạo tại chỗ trên các mô hình trình diễn, các điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nông dân chuyển đổi sản xuất. Phối hợp với các ngành cung ứng lao động có tay nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho nông dân, tác động với các ngành hỗ trợ về vốn, kỹ thuật sau khi học nghề. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tổ chức các buổi chuyển giao KHKT để bà con nông dân ứng dụng những công nghệ mới, tập trung đầu tư chiều sâu vào ngành nghề sẵn có, làm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng. Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội tạo vốn cho nông dân có tay nghề thông qua tín chấp để vay vốn đầu tư vào làm nghề có hiệu quả…góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.