Ðược lên đảo, cùng tham gia đêm giao lưu văn nghệ giữa cán bộ, chiến sĩ hải quân đảo Song Tử Tây với các nghệ sĩ của Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP Hồ Chí Minh có lẽ là món quà bất ngờ đối với ngư dân của các tàu đánh cá tỉnh Quảng Ngãi đang neo đậu trong âu tàu Song Tử Tây.
Âu tàu Song Tử Tây với tàu câu mực của ngư dân Quảng Ngãi neo đậu bên trong.
Quay sang trò chuyện với tôi mà ngư dân Ðoàn Văn Thắng, quê ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), vẫn chưa hết xúc động khi nghe NSƯT Tạ Minh Tâm hát bài "Thuyền và biển". Bác Thắng cho biết, hai tàu câu mực của các ngư dân Quảng Ngãi ra khơi đã hơn hai tháng nay, ghé âu tàu để tiếp thêm dầu và nước ngọt, gặp đúng dịp đoàn công tác ra thăm xã đảo Song Tử Tây. Ngay từ buổi chiều khi nghe tin sẽ được lên đảo xem văn nghệ, ai cũng háo hức mong cho trời mau tối. Với những ngư dân quanh năm lênh đênh trên biển, chuyện được tận mắt nhìn, được nghe các nghệ sĩ như Thế Hiển, Tạ Minh Tâm hát, là điều không hề nghĩ đến. Họ, những ngư dân trên người vẫn mặn mòi mùi biển đã xóa hết ngại ngần khi cùng hòa lời ca "Nối vòng tay lớn" với các nghệ sĩ, cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo.
Anh Tiêu Viết Dương, ngư dân ở tàu đánh cá 95726, bàn tay phải vẫn còn băng buộc nhưng cũng được bác sĩ quân y cho phép tham gia đêm văn nghệ. Ngón tay cái bị dây câu cứa đứt, nhưng do anh dùng băng dính quấn lại, hơn hai tuần lênh đênh trên biển, cho nên ngón tay bị hoại tử, cả bàn tay thâm đen lại. Sốt cao mấy ngày liền, mọi người đã kịp thời đưa anh vào bệnh xá Song Tử Tây để bác sĩ cắt lọc phần hoại tử và tiến hành phẫu thuật "gặm" bỏ xương hở. "Chậm một hôm nữa thôi!...", anh bỏ lửng câu nói. Nhưng tôi biết, chỉ cần chậm thêm một ngày, bàn tay thả neo, buông câu, kéo lưới - bàn tay lao động chính của cả gia đình anh sẽ mất đi một phần sức mạnh...
Từ nhiều năm nay, với ngư dân các địa phương ven biển Trung Bộ, Nam Trung Bộ, âu tàu Song Tử Tây hay các điểm neo đậu tàu tại cụm đảo chìm Ðá Tây, Trường Sa lớn, Sinh Tồn, Sơn Ca... đã thành quê hương thứ hai của họ giữa biển trời mênh mông. Ngư dân Ðặng Văn Mười ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), người có thâm niên đi biển hơn hai mươi năm, chậm rãi kể: Những năm trước đây, chuyến đi biển dài nhất của tàu cá, tàu câu mực của chúng tôi chỉ khoảng hai tháng. Nhưng nay, mùa biển êm như thế này, có thể yên tâm đi ba, bốn tháng, hết dầu thì vào đảo tiếp thêm, mua thêm gạo, muối với giá như trên đất liền lấy thêm nước ngọt. Tàu có hỏng hóc gì đã có trạm sửa chữa miễn phí, ốm đau đã có bác sĩ quân y trên đảo chăm sóc..., giúp ngư dân chúng tôi yên tâm bám biển, hiệu quả mỗi chuyến đi biển cũng cao hơn. Những lần nghe tin có bão, gió lốc là chúng tôi nhanh chóng tìm về neo đậu trong âu tàu hoặc lòng hồ đảo Ðá Tây để bảo đảm an toàn...
Thượng tá Trần Trung Hưng, Chính trị viên kiêm Bí thư Ðảng ủy xã đảo Song Tử Tây cho biết, ngay từ khi đưa vào sử dụng, âu tàu là bến đậu, địa chỉ an toàn cho ngư dân các tỉnh ven biển khai thác, đánh bắt cá xa bờ với sức chứa cả trăm tàu cá công suất lớn. Ðảo còn có một trạm dịch vụ sửa chữa, cung cấp nước ngọt miễn phí, dầu đi-ê-den, lương thực cho tàu cá của ngư dân với giá bán bằng giá trong đất liền. Năm 2011, trạm đã bán hơn 107 m3 dầu, 100 lít nhớt, hơn 1.500 kg lương thực, cấp miễn phí hơn 200 m3 nước ngọt, doanh thu ước đạt hơn 21 tỷ đồng. Trạm hướng dẫn cho 146 lượt tàu cá vào âu tàu tránh bão gió, sửa chữa cho 11 tàu, thuyền... Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, quân và dân ở Song Tử Tây còn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn các tàu, thuyền ở vùng biển đảo quản lý. Năm 2011, cứu hộ thành công ba tàu đánh cá bị nạn, cấp cứu chữa bệnh cho 11 ngư dân bị nạn trên biển, khám, chữa bệnh cho hơn 300 lượt ngư dân... Những ngày đầu tháng tư vừa qua, khi cơn bão số 1 ập tới, có hơn 40 tàu cá của ngư dân kịp vào âu tàu để tránh bão...
Ðưa chúng tôi ra thăm khu nuôi hải sản trên biển, Ðại úy Nguyễn Văn Duyên, Ðội nuôi trồng thủy sản (Công ty hải sản Trường Sa thuộc Hải đoàn 129) khoe với chúng tôi những lồng cá, có con nặng gần hai kg, sắp đến ngày thu hoạch. Thiên nhiên ưu ái ban tặng cho đảo Ðá Tây thềm san hô bao quanh có chiều dài khoảng 15 km, chiều rộng khoảng 3 km, độ sâu từ 5 đến 20 m tạo thành một lòng hồ lý tưởng giữa biển khơi cho hàng trăm tàu vào neo đậu tránh bão. Ðây còn là nơi nuôi trồng hải sản có hiệu quả. Mô hình nuôi cá lồng với một số giống cá như cá vược (cá chẽm), cá chim trắng, cá hồng của Công ty hải sản Trường Sa đạt hiệu quả cao sẽ được nhân rộng trong thời gian tới. Cùng với đó, nhiều năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá với nhiều hạng mục, như bến trụ cập tàu, tường hắt sóng, sân bãi, nhà trồng rau, hệ thống nhận và cung cấp nguyên liệu, trạm sửa chữa tàu, thuyền... Các dịch vụ trên góp phần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả mỗi chuyến đánh bắt xa bờ của các ngư dân, tăng thời gian bám biển, tăng lợi nhuận cho ngư dân. Ngoài ra, đảo Trường Sa (thị trấn Trường Sa), nằm ở trung tâm quần đảo cũng là nơi thuận tiện cho ngư dân tránh gió, bão. Ngư dân các tỉnh đánh bắt xa bờ, mỗi khi bất ngờ có bão, giông, đau ốm, bệnh tật phần nhiều tìm đến Trường Sa để tạm trú, tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm, phục hồi sức khỏe để bám biển dài ngày.
Ðồng hành cùng đoàn công tác mười ngày trên biển đến thăm các đảo trên quần đảo Trường Sa, Ðại tá Nguyễn Ðức Vượng, Phó Chính ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tâm sự với chúng tôi những lời tâm huyết của một người có nhiều năm gắn bó với đảo nổi, đảo chìm nơi đây: "Bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, không có gì vững chắc bằng việc xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên biển". Trong những năm qua, sự quan tâm, đầu tư của Ðảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân cả nước, đời sống vật chất và tinh thần của quân và dân trên đảo đang ngày càng được cải thiện, các công trình được xây dựng nhiều hơn trên các đảo. Hệ thống năng lượng như pin mặt trời, điện gió, mạng điện thoại di động Vietel, truyền hình đang làm thay đổi bộ mặt nơi đây, đưa cuộc sống của quân và dân trên đảo về gần hơn với đất liền. Cùng với đó, Chính phủ đã có chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho ngư dân các tỉnh ven biển tổ chức khai thác, đánh bắt trên các ngư trường. Ðặc biệt là Quyết định số 48/2010/QÐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Chủ trương này đang thu hút ngày càng nhiều tàu thuyền của ngư dân ra đánh bắt, khai thác hải sản ở vùng biển Trường Sa, hình thành các làng chài trên biển. Lượng tàu, thuyền ngư dân ra đánh bắt năm sau luôn cao hơn năm trước. Ðoàn kết quân dân, đoàn kết ngư dân với ngư dân, sẵn sàng tương trợ giúp đỡ nhau trong mọi điều kiện, ngày càng gắn bó...
Ðại tá Nguyễn Ðức Vượng cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân phối hợp UBND các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đầu tư cho các dịch vụ hậu cần nghề cá tại các điểm đảo để thu hút và phục vụ hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân hiệu quả hơn. Trước mắt, tập trung cho các đảo phía bắc như Song Tử Tây, Sinh Tồn, các đảo phía nam như đảo Ðá Tây, Trường Sa, trong đó, Ðá Tây sẽ được đầu tư để trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá lớn... Bộ Tư lệnh cũng tiến hành khảo sát một số điểm đảo có tiềm năng, điều kiện địa lý thuận lợi để tiếp tục xây dựng các âu tàu, dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ ngư dân trong tương lai.
Nguồn Báo Nhân Dân