Dùng hội nghị truyền hình cải cách hành chính còn nhiều rào cản

Công nghệ hội nghị truyền hình (HNTH) dù nhiều ưu việt, giúp cho việc cải cách hành chính hiệu quả, thế nhưng hiện lại chưa được ứng dụng mạnh tại Việt Nam do còn gặp nhiều rào cản liên quan đến bảo mật, chất lượng đường truyền Internet, ý thức người dùng…

Vài năm gần đây, Việt Nam đã đưa ra nhiều chương trình cải cách hành chính gắn với việc triển khai ứng dụng CNTT vào quy trình tái cơ cấu, phát triển dịch vụ công, các hoạt động hành chính... Và trong đó, vấn đề ứng dụng công nghệ hội nghị truyền hình (HNTH) nhằm giảm bớt chi phí tổ chức, thời gian đi lại đối với các cuộc họp, hội nghị, hội thảo… cũng đang được đặt cấp thiết.

Ứng dụng HNTH trong chẩn đoán bệnh từ xa. Ảnh: Phan Minh

Thực hiện chủ trương này, hiện nhiều tổ chức đã ứng dụng giải pháp HNTH trực truyến vào công tác quản lý điều hành nhằm mục đích góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như nâng cao chất lượng các cuộc họp.

Trao đổi cụ thể về hiệu quả vấn đề ứng dụng HNTH, ông Marc Alexis Remond - Giám đốc bộ phận Giải pháp Chính phủ, Giáo dục và Y tế của Tập đoàn Polycom Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, nếu Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng sẽ tiết kiệm lớn cho nguồn ngân sách. Bởi trong thực tế, hiện nay có rất nhiều quốc gia đang ứng dụng các giải pháp HNTH như Nga, Trung Quốc đã ứng dụng để xử án từ xa, Hàn Quốc đã ứng dụng trong việc khám, chữa bệnh từ xa… đã chứng minh được điều này.

Riêng tại Nga, tòa án tối cao của Liên bang Nga từ năm 1999 đến nay đã ứng dụng hơn 1.000 hệ thống truyền hình Polycom RealPresence để phục vụ công việc xét xử, điều tra cách ly của tòa án, thực hiện liên lạc giữa các luật sư và thân nhân của bị cáo, đã giúp các tòa án xét xử hơn 600.000 vụ án, tiết kiệm được khoảng 50,5 triệu đô la Mỹ chi cho việc di chuyển tù nhân tới tòa án và quay lại mỗi năm cho quỹ liên bang.

Chính vì vậy, từ kinh nghiệm điều hành trong mảng chính phủ, giáo dục và y tế, trao đổi với ICTnews, ông Marc Alexis Remond cũng cho rằng tại Việt Nam, các lĩnh vực có thể ứng dụng mạnh HNTH để nâng cao năng lực, tốc độ truyền tải thông tin trực quan là an ninh quốc phòng, chỉ đạo ứng cứu khẩn cấp, khám chữa bệnh từ xa trong y tế, giáo dục đào tạo từ xa, cung cấp dịch vụ công, dùng để quảng bá du lịch…

Tuy nhiên, ông Marc Alexis Remond cũng lưu ý nhiều tổ chức tại Việt Nam vẫn còn quan ngại đến vấn đề bảo mật, an ninh trong truyền thông video, rồi vấn đề chất lượng đường truyền Internet hạn chế (đây cũng là một trong những rào cản khiến cho việc ứng dụng HNTH gặp trở ngại), hay tâm lý người dùng “ngại” ứng dụng HNTH vì sợ công việc bị ảnh hưởng (như lo ngại việc giảng dạy từ xa thông qua HNTH dễ làm cho giáo viên… mất việc, “thu hẹp” thu nhập)…

Trước thực tế đó, đại diện Polycom cho rằng đó cũng là thực tế dễ hiểu bởi Việt Nam mới đang trong giai đoạn mới thực hiện cải cách hành chính bằng ứng dụng HNTH. Tuy nhiên, công nghệ HNTH hiện nay đang rất phổ biến và được ứng dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia tiên tiến, đã trải qua thời gian dài khẳng định chất lượng cũng như đảm bảo an ninh, tính hiệu quả. do vậy.

Về mặt kỹ thuật, giải pháp như của Polycom cho phép một cuộc hội nghị cũng có thể diễn ra suôn sẻ với đường truyền Internet chất lượng 256 KBps, thay vì đòi hỏi phải từ 1MBps như giải pháp của nhiều nhà cung cấp khác. Ngoài ra, giải pháp cũng có thể được tích hợp thêm phần mềm bảo mật theo nhu cầu các tổ chức để đảm bảo an toàn tối đa truyền thông video, công nghệ có thể tương thích với nhiều nhà cung cấp, không bị ràng buộc bởi các giải pháp hội nghị từ xa độc quyền nào…

Nguồn ICTnews