Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Đề án CNH-HĐH là định hướng chung về CHN-HĐH cho các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT.
Nội dung cơ bản của Đề án bao gồm: Xây dựng hệ thống quản lý tập trung từ Bộ tới các đơn vị cấp dưới, hình thành Bộ điện tử, sẵn sàng kết nối với để hình thành Chính phủ điện tử, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị; từng bước đầu tư hệ thống nhà xưởng, trang bị các trang thiết bị hiện đại tiên tiến phục vụ sản xuất, tăng năng suất lao động, giảm giá thành; ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào công tác quản lý, điều hành dự án, sản xuất để nâng cao chất lượng quản lý điều hành; sử dụng vật liệu mới để tăng hiệu quả sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý mới, tăng cường đào tạo chuyên sâu.
Đề án được xây dựng trên cơ sở định hướng cho cả quá trình trong giai đoạn dài đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, không phải tiến hành ngay trong thời điểm hiện nay.
Nguồn kinh phí được dự kiến chủ yếu trên cơ sở nguồn vốn ngoài ngân sách, nguồn vốn ngân sách chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng nguồn vốn triển khai thực hiện.
Đề án dự kiến kinh phí hơn 223.000 tỷ đồng là kinh phí tổng hợp trên cơ sở đầu tư hiện đại hóa công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh; đào tạo nguồn nhân lực của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT để đáp ứng mục tiêu, thực hiện các lĩnh vực trên và được triển khai thực hiện trong giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Trong Đề án có ghi rõ dự kiến vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho khối hành chính - sự nghiệp, bao gồm các hạng mục: Đầu tư phần mềm, hạ tầng CNTT phục vụ cho công tác quản lý; nhà làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước; đào tạo cán bộ quản lý nhà nước; đầu tư các công trình, dịch vụ công ích. Ước tính chi phí chiếm khoảng 8,9% tổng nhu cầu vốn của Đề án (số kinh phí này cấp theo kế hoạch, được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt). Còn lại, các doanh nghiệp chủ động trong việc bố trí và trong nguồn vốn tự có, vốn vay, đặc biệt vốn thu lại từ việc thoái vốn liên danh, liên kết trong việc đầu tư để thực hiện mục tiêu và các nội dung CNH - HĐH, nguồn vốn ngoài ngân sách này chiếm khoảng 91,1%.
Riêng trụ sở mới của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 2469/TTg-KTN ngày 29/12/2011, cho phép Bộ được mua trụ sở làm việc và bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất do Bộ GTVT đang quản lý tại 80 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội theo giá thị trường, đúng quy định của pháp luật để lấy kinh phí đầu tư trụ sở mới.
Nguồn www.chinhphu.vn