Trong bối cảnh chung của cả nước, các DN tỉnh ta hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, với những nỗ lực nhất định, cộng đồng các DN trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động và tiếp tục có bước phát triển nhất định.
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Ảnh: Văn Miên
Tuy nhiên, qua rà soát hiện toàn tỉnh có 7 DN chờ giải thể, 108 DN tạm ngừng hoạt động hoặc đã đăng ký nhưng chưa đi vào hoạt động do khó khăn về thị trường tiêu thụ và vốn. Khó khăn nhất hiện nay của DN trong tỉnh là sức mua trên thị trường giảm mạnh, hàng hóa sản xuất ra tiêu thụ chậm, tồn kho lớn, vốn quay vòng chậm nên dẫn đến khó khăn về tài chính. Hầu hết các DN đều vượt hạn mức tín dụng ngân hàng nên không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay; chi phí lãi suất ngân hàng còn cao. Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thấp do chi phí đầu vào tăng cao. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong hỗ trợ DN còn chậm, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính chưa thật thông thoáng; cung cấp thông tin về thị trường, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm cho DN còn hạn chế…
Đồng chí Huỳnh Cao Đài, Phó Giám đốc Sở tài chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Văn Miên
Sau khi nghe ý kiến, kiến nghị của các DN, các ngành chức năng, đồng chí Nguyễn Đức Thanh chia sẻ: Trước thực tế trên, tỉnh sẽ nỗ lực hết mình cùng tháo gỡ những khó khăn để DN hoạt động, đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng cần triển khai thực hiện ngay các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ DN. Về phía tỉnh tập trung tháo gỡ chính sách đất đai, nhất là việc thuê đất của DN; đồng ý thành lập tổ liên ngành trong đôn đốc, giúp đỡ các nhà đầu tư trong quyết toán về xây dựng cơ bản để DN trong lĩnh vực xây dựng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng thuận lợi hơn. Kiểm tra, rà soát để tham mưu cho UBND tỉnh có giải pháp cụ thể đối với những vướng mắc các công trình đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước.
Đặng Hữu