Tổng thống V. Putin và một giai đoạn phát triển mới cho nước Nga

Ngày 7/5, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ 2012-2018, tân Tổng thống Vladimir Putin đã thông qua những sắc lệnh đầu tiên, vạch rõ phương hướng phát triển đất nước và hoạt động của chính quyền. Thời gian đang chờ đợi để các sắc lệnh này phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, dựa trên những gì mà ông Putin đã làm trong suốt 12 năm qua, người dân Nga hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng, vai trò lãnh đạo của ông sẽ mang lại sự ổn định, phồn thịnh và đưa nước Nga bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Ria Novosti)

Từ một giai đoạn mới và những cơ hội mới…

Ông Putin lần đầu tiên đắc cử Tổng thống Nga vào năm 2000. Vào thời điểm đó, nền kinh tế Nga đang trì trệ và người dân đang sống trong tình cảnh thiếu thốn. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, nước Nga chìm trong những cuộc xung đột, những cú sốc tài chính và cảnh nghèo đói xuất hiện khắp nước Nga. Cuộc khủng hoảng ở Nga đã leo đến đỉnh điểm năm 1998 khi đồng rúp sụp đổ và nước Nga buộc phải chấp nhận sự cứu giúp của Quỹ Tiền tệ quốc tế.

Hơn một thập kỷ đã trôi qua kể từ thời điểm trên và cùng với thời khắc ông Putin quay trở lại chiếc ghế quyền lực tại điện Kremlin, nước Nga đã trở thành một cường quốc với sự ổn định chính trị vững mạnh; nền kinh tế phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện. Nhờ hàng loạt chính sách kinh tế đúng đắn, nền kinh tế Nga đã liên tục tăng trưởng cao dưới "thời Putin" với tỷ lệ tăng trưởng năm 2000 đạt 10%, và trong các năm sau đó luôn đạt từ 6,5 đến 7,3%. Kinh tế dần phục hồi sau khủng hoảng và tăng trưởng đều là yếu tố chính giúp cho đời sống người dân Nga ngày càng ổn định và nâng cao hơn. Tầng lớp trung lưu ở nước này tăng đáng kể, chiếm đến 1/5 tổng số dân. Thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng. Số lượng tỉ phú Nga đứng trong hàng top 5 của thế giới.

Trong một bản báo cáo trình bày trước chính phủ Nga vào tháng 4/2012, ông Putin đã bày tỏ tin tưởng rằng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đã vượt qua cả mốc của thời kỳ trước khi xảy ra khủng hoảng. Nền kinh tế của nước này đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong năm 2008, 2009 và thậm chí cả năm khó khăn 2010. Ngày nay, Nga đã đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm 8 quốc gia dân chủ và công nghiệp hàng đầu (G8) và trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất trên thế giới.

Theo số liệu thống kê chính thức, mức tăng trưởng GDP 4,2% trong năm 2011 đã đưa Nga trở thành nền kinh tế có tốc độ phát triển đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Lĩnh vực nông nghiệp của Nga cũng đạt mức tăng trưởng 22% trong năm 2011 và theo dự báo, quốc gia này sẽ sớm trở thành một nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ hai trên thế giới. Thêm vào đó, cùng với những nỗ lực không ngừng của ông Putin và Medvedev, nước Nga đã vượt qua những trở ngại cuối cùng để được trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) – vốn được xem là sẽ tạo động lực và mở ra nhiều cơ hội mới để phát triển kinh tế đất nước.

… Đến những phương hướng đầu tiên để phát triển đất nước

Theo các nhà phân tích, cho dù phải đưa ra những thay đổi, chính sách để phù hợp với tình hình mới, song trong nhiệm kỳ Tổng thống 6 năm tới đây, ông Putin sẽ tiếp tục theo đuổi các biện pháp tăng cường sức mạnh nền kinh tế, phát triển xã hội dựa trên những nền tảng cơ bản vốn được ông hình thành và vun đắp từ 12 năm về trước. Tất cả nhằm vào một mục tiêu phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và vị thế của nước Nga trên trường quốc tế.

Ngay sau lễ nhậm chức, trong sắc lệnh Tổng thống đầu tiên, ngày 7/5, ông Putin đã vạch ra phương hướng chung để phát triển đất nước và hoạt động của chính quyền với những nội dung cụ thể như sau:

Về kinh tế: Ông Putin cam kết sẽ tập trung đa dạng hóa nền kinh tế vốn đang phụ thuộc vào nhiên liệu thô; cam kết sẽ nâng cao mảng giáo dục, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, ông Putin cũng đề xuất giảm sự can thiệp của nhà nước và điều chỉnh các chính sách kinh tế để thu hút đầu tư nước ngoài.

Về đối ngoại: Ông Putin ủng hộ việc hình thành một thế giới đa cực với việc nâng cao tiếng nói của Liên hợp quốc. Ông thẳng thừng bác bỏ tư tưởng can thiệp quân sự vào một quốc gia chủ quyền từ các nước phương Tây. Tổng thống Nga cam kết sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách xây dựng và tích cực, hướng tới việc tăng cường an ninh toàn cầu, thúc đẩy hội nhập trong không gian hậu Xô viết.

Về chính sách quân sự: Ông Putin khẳng định, Nga sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh răn đe hạt nhân để đối phó với các thách thức toàn cầu và đảm bảo sự ổn định chiến lược của quốc gia.

Về cải cách chính trị: Ông Putin cho biết, Nga sẽ thực hiện dần dần lộ trình cải cách chính trị, gồm việc đưa ra một số điều chỉnh về bầu cử Quốc hội và thống đốc bang cũng như tối giản thủ tục đăng ký cho các đảng nhỏ. Ông Putin cũng nhấn mạnh, bất kỳ một sự cải cách nào về mặt chính trị cần được thực hiện dựa trên cơ sở của sự ổn định.

Chính sách xã hội: Ông Putin cam kết tăng cường phúc lợi xã hội, tạo thêm 25 triệu việc làm cho tầng lớp trí thức và tạo nơi ăn ở cho khoảng 60% hộ gia đình Nga vào năm 2020. Ngoài ra, ông Putin còn đưa ra đề xuất tăng độ tuổi nghỉ hưu, đồng thời yêu cầu chính phủ cần lưu tâm hơn nữa tới hệ thống chăm sóc y tế. Về kế hoạch phát triển nhân khẩu học dài hạn, ông Putin cho rằng, Nga cần tăng dân số lên mức 154 triệu người trong vòng 40 năm tới.

Về chính sách dân tộc: Ông Putin ủng hộ một xã hội đa tầng lớp và cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho khu vực Bắc Capcaz. Bên cạnh đó, ông Putin cũng kêu gọi tinh thần đoàn kết, thống nhất từ phía người dân Nga và mạnh mẽ bác bỏ tất cả các hình thức chủ nghĩa li khai, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố.

Và những thách thức lớn cần nỗ lực vượt qua

Một nước Nga hôm nay với sự phát triển kinh tế khá ổn định và có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề quốc tế, cộng với sự ủng hộ của người dân đối với bản thân ông Putin và đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền chính là tiền đề tạo thuận lợi cho vị trí của ông Putin trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, bối cảnh căng thẳng trong xã hội Nga có chiều hướng gia tăng và tình hình quốc tế diễn biến khó đoán định, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của ông Putin sẽ gặp không ít khó khăn và thách thức.

Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng, nước Nga hiện vẫn còn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong những năm trước mắt và phát triển kinh tế vẫn là một vấn đề trọng tâm.

Cách đây 4 năm, khi nhậm chức Tổng thống Nga hồi năm 2008, ông Medvedev đã chỉ ra rằng, những vấn đề lớn của nước Nga hiện là năng suất lao động thấp, phát triển kinh tế phụ thuộc nặng nề vào nguồn nguyên liệu thô. Và cho đến ngày nay, nước Nga lại phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn đó là: tăng tốc tiến trình tư nhân hóa, tăng đầu tư vào công nghệ đón đầu và một nền kinh tế mới. Đây là một phần trong nỗ lực tăng cường tính cạnh tranh, duy trì khả năng quản lý của chính quyền, hạn chế đầu tư công và giảm thâm hụt để tiến tới mục tiêu cân bằng ngân sách …

Giám đốc Viện Giám định chính trị Quốc tế Evgeny Minchenko còn cảnh báo, ông Putin sẽ phải đối mặt với nhiệm kỳ Tổng thống thậm chí còn khó khăn hơn giai đoạn 2000-2008 vì nhiều thay đổi đang hình thành trong xã hội, đặc biệt là những tư tưởng bài trừ và chống đối.

Trong khi đó, Tổng biên tập đặc san “Những vấn đề toàn cầu” của Nga, ông Fyodor Lukyanov cũng chia sẻ quan điểm của ông Michenko khi cho rằng “những thay đổi trong xã hội Nga đòi hỏi những thay đổi về hệ thống chính trị”.

Theo nhà nghiên cứu chính trị người Nga Pavel Svyachenkov, Tổng thống Putin nhậm chức trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang đè nặng lên vai người dân Nga và nổ ra nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối chính quyền. Tất cả những yếu tố đó chứng tỏ ông Putin sẽ phải đối mặt với một thời kỳ khó khăn và phức tạp khi quay lại Điện Cremlin.

Các nhà phân tích cho rằng, bên cạnh những vấn đề trong nước, ông Putin phải đối mặt với một vấn đề khác cũng không kém phần gai góc, đó là làm thế nào để dung hòa được quan hệ với các nước phương Tây, đặc biệt là trong vấn đề lá chắn tên lửa, sự mở rộng của NATO, quan điểm về các vấn đề quốc tế nhạy cảm như tình hình tại Syria, Libya, Iran…

Dù còn nhiều khó khăn và thách thức đang chờ đón tân Tổng thống Putin tại điện Kremlin, song rõ ràng, những gì ông đã mang lại cho nước Nga trong suốt 12 năm lãnh đạo đã tạo cơ sở để đông đảo người dân Nga có thể gửi gắm lòng tin vào vai trò chèo lái đất nước của ông Putin trong chặng đường sắp tới./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam