Câu hỏi 1: TABMIS là gì?
Trả lời:
Hệ thống Thông tin Quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) viết tắt từ tiếng Anh “Treasury And Budget Management Information System”) là một trong 3 cấu phần và là cấu phần quan trọng nhất của Dự án “Cải cách Quản lý Tài chính công”.
Theo Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 21-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ‘Báo cáo Khả thi’ Dự án “Cải cách Quản lý Tài chính công”, mục tiêu của TABMIS là:
- Hiện đại hoá công tác quản lý ngân sách nhà nước từ khâu lập kế hoạch, thực hiện ngân sách, báo cáo ngân sách và tăng cường trách nhiệm ngân sách của Bộ Tài chính.
- Nâng cao tính minh bạch trong quản lý tài chính công.
- Hạn chế tiêu cực trong việc sử dụng ngân sách.
- Đảm bảo an ninh tài chính trong quá trình phát triển và hội nhập của quốc gia.
Câu hỏi 2: Tại sao TABMIS phải được triển khai?
Trả lời:
Bộ Tài Chính đã dựa trên cơ sở mục tiêu chung của Chương trình Tổng thể Cải cách Hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010 ban hành kèm theo Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17-9-2001 của Thủ Tướng Chính phủ để xây dựng và triển khai Dự án Cải cách Quản lý Tài chính công trong đó có cấu phần TABMIS nhằm hiện đại hoá công tác quản lý ngân sách nhà nước. Nội dung quan trọng là cải cách công tác quản lý ngân sách và Kế toán nhà nước theo hướng tiến đến các chuẩn mực, thông lệ tốt nhất trên thế giới trong lĩnh vực Tài chính công cụ thể :
- Cần hiện đại hóa quy trình quản lý ngân sách nhà nước ở tất cả các khâu từ lên kế hoạch đến thực thi, lập báo cáo và tăng trách nhiệm giải trình của Bộ Tài Chính.
- Cần phải nâng cao tính minh bạch của quản lý tài chính công, giảm thiểu tiêu cực trong thực hiện và chấp hành ngân sách, và tăng tính lành mạnh tài chính vì sự nghiệp phát triển và hội nhập của đất nước.
- Cần phải đẩy mạnh việc lưu trữ dữ liệu và khả năng lập báo cáo.
Câu hỏi 3: Lợi ích TABMIS mang lại cho khu vực quản lý tài chính công? Lợi ích TABMIS mang lại cho người sử dụng cuối?
Trả lời:
Lợi ích của TABMIS đối với lĩnh vực tài chính công :
-Thông tin - Nâng cao khả năng quản lý tài chính nhờ tính rõ ràng và chính xác của thông tin.
+ Nâng cao khả năng lập quyết định quản lý tài chính.
+ Ghi và lập báo cáo tài chính chính xác và kịp thời.
+ Giúp việc quản lý ngân sách của Việt Nam dần tiến tới những chuẩn mực và thông lệ tốt nhất trên thế giới, từ đó tăng cường tính minh bạch và kỹ năng tích hợp cho khu vực tài chính công.
- Quy trình - Nâng cao hiệu quả hoạt động
+ Tăng cường quản lý ngân sách và kho bạc.
+ Tăng độ tin cậy trong khả năng kiểm toán quỹ ngân sách.
+ Tăng cường tính chính xác, đúng hạn, hợp lệ và minh bạch đối với thông tin về ngân sách và tài chính.
+ Giảm thiểu quy trình khóa sổ tài chính.
+ Tăng cường thực hiện ngân sách thông qua việc thiết lập cơ sở dữ liệu nhà cung cấp, đối chiếu thanh toán hóa đơn với cam kết mua sắm trên hệ thống.
+ Phù hợp với thông lệ quốc tế.
Lợi ích của TABMIS đối với người dùng cuối:
- Theo dõi, sử dụng và quản lý chi tiêu ngân sách tốt hơn.
- Dự báo và có bức tranh toàn cảnh tốt hơn về luồng tiền mặt.
- Giúp giảm thời gian cho quy trình khóa sổ tài chính, cho phép làm phân bổ ngân sách chặt chẽ hơn, hạch toán số liệu dễ dàng hơn.
- Kế toán đồ (COA) thống nhất, tuân theo các tiêu chuẩn IPSAS nhằm giúp việc phân tích và lập báo cáo được tốt hơn cũng như chuyển dần sang kế toán dồn tích trong tương lai.
- Tốc độ xử lý thông tin nhanh hơn đặc biệt chiết xuất báo cáo nhanh hơn.
Câu hỏi 4: Khi được triển khai, TABMIS sẽ ảnh hưởng tới đối tượng nào?
Trả lời:
Những cơ quan, tổ chức chịu ảnh hưởng của TABMIS bao gồm:
- Các cơ quan tài chính.
- Kho bạc Nhà nước.
- Các cơ quan chủ quản
- Một số cơ quan hành chính sự nghiệp thí điểm.
Tuy nhiên, về mặt nghiệp vụ, TABMIS không chỉ là hiện đại hoá công nghệ thông tin mà một trong những mục tiêu quan trọng là cải cách toàn bộ quy trình lập dự toán, phân bổ dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, đồng thời thay thế toàn bộ chế độ kế toán ngân sách và nghiệp vụ KBNN bằng một chế độ kế toán mới. Do vậy, các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước sẽ liên quan chủ yếu về mặt nghiệp vụ tức là sẽ phải sử dụng quy trình ngân sách về chế độ kế toán mới áp dụng cho TABMIS.
Câu hỏi 5: Để triển khai được TABMIS, Bộ Tài Chính cần phải chuẩn bị những gì? (về con người, công nghệ.v.v…)
Trả lời:
Về phía Bộ Tài Chính, công tác chuẩn bị cần tập trung vào những lĩnh vực sau :
1. Về trình độ CNTT của cán bộ Bộ Tài Chính.
- Cán bộ cần phải có ít nhất là trình độ A về tin học hoặc tương đương trở lên.
- Cần có một số cán bộ hỗ trợ CNTT ở cấp huyện để đảm bảo rằng những câu hỏi về kỹ thuật của người sử dụng cuối được giải đáp.
- Phải quen thuộc với việc sử dụng các phần mềm Window XP, trình duyệt Internet và sử dụng email.
2. Về cơ sở hạ tầng CNTT.
- Hệ thống đường truyền phải được kết nối thông qua kênh ADSL hoặc dial-up tới mạng trung tâm của TABMIS.
- Tất cả các máy tính được kết nối vào hệ thống đường truyền nói trên.
3. Về nhận thức về TABMIS cũng như những lợi ích, ảnh hưởng của TABMIS:
- Cần phải nhận thức đầy đủ về những lợi ích cũng như thách thức mà TABMIS sẽ đem lại cho mình cũng như đơn vị mình.
4. TABMIS là một dự án cải cách, do vậy, dự án này phản ánh ý tưởng, sự đổi mới cũng như thay đổi cách tư duy của chúng ta. Chúng ta đã áp dụng những quy chuẩn và thông lệ tốt nhất của thế giới vào bối cảnh hiện tại. Để chuẩn bị cho việc triển khai TABMIS, chúng ta cần được tập huấn về những thay đổi trong quy trình ngân sách, những thay đổi về chế độ kế toán Nhà nước (cấu trúc kế toán đồ -COA).
Ngoài ra, chúng ta cũng đã bắt đầu tiến hành truyền thông về những ảnh hưởng này của dự án TABMIS. Đối với mọi cán bộ ở các cấp trung ương, tỉnh và huyện, họ cần bắt đầu tự cập nhật thường xuyên các thông tin về TABMIS. Để biết thêm thông tin, có thể liên hệ với mạng lưới truyền thông tại địa phương.
Câu hỏi 6: Cán bộ ngành Tài chính cần phải được đào tạo những kỹ năng gì để có thể tham gia vận hành TABMIS?
Trả lời:
TABMIS dựa trên phần mềm ứng dụng về tài chính công của Oracle (Oracle Public Sector Financial Application). Với hệ thống KBNN, nó sẽ thay thế cho hệ thống KTKB. Do vậy, các cán bộ sẽ phải được đào tạo về cách thức sử dụng TABMIS để thực hiện các công việc hàng ngày. Họ cũng cần phải hiểu các khái niệm, quy trình ngân sách mới, chế độ kế toán Nhà nước áp dụng cho TABMIS. Trước khi tham dự các khóa đào tạo về TABMIS, cán bộ cũng cần phải có những kỹ năng cơ bản sau (a) Kỹ năng máy tính cơ bản như sử dụng được WindowXP, (b) kỹ năng sử dụng các trình duyệt Internet.
Câu hỏi 7: Với vai trò là người sử dụng cuối, trước khi TABMIS được triển khai rộng, tôi phải tự chuẩn bị những gì cho mình để có thể sử dụng TABMIS một cách hiệu quả nhất?
Trả lời:
Trước khi TABMIS được triển khai rộng, là một người sử dụng cuối, quý vị cần phải:
- Tự cập nhật những thông tin mới nhất về TABMIS thông qua những kênh thông tin khác nhau như: mạng lưới các đồng nghiệp, mạng lưới truyền thông TABMIS, Bản tin TABMIS, trang web thông tin TABMIS để biết thêm thông tin về dự án. Quý vị cũng có thể tải về Bản tin TABMIS, được phát hành 2 tháng một lần, từ trang web này.
- Tham dự các khóa đào tạo của Bộ Tài chính để nâng cao trình độ và cập nhật cơ chế chính sách mới cũng như các khóa đào tạo sử dụng TABMIS. Việc đào tạo người sử dụng cuối sẽ được tiến hành khi dự án đi gần tới ngày triển khai. Hãy xem trong lịch đào tạo người sử dụng cuối và nhớ tham dự đào tạo đầy đủ.
Câu hỏi 8: Với sự triển khai TABMIS, các công việc đối với cán bộ sẽ thay đổi như thế nào?
Trả lời:
Hiện nay, Ban Triển khai TABMIS đang tiến hành nghiên cứu về các tác động của TABMIS đến các đối tượng có liên quan về mặt tổ chức và nhân sự và sẽ cung cấp thông tin tới anh/chị sau khi nghiên cứu này hoàn thành.
Câu hỏi 9: Liệu những cán bộ hiện tại đã có tuổi và không có kỹ năng máy tính cao có bị thay thế bằng các cán bộ trẻ có kỹ năng hơn về máy tính? Có giải pháp nào giúp cho cán bộ không còn trẻ có được khả năng tiếp cận hệ thống TABMIS?
Trả lời:
Những cán bộ lớn tuổi sẽ phải có (a) kỹ năng máy tính cơ bản như sử dụng được WindowXP, (b) kỹ năng sử dụng các trình duyệt Internet và (c) kiến thức về quy trình nghiệp vụ trước khi tham dự vào các khóa đào tạo TABMIS. Hiện nay, Bộ Tài Chính đang tiến hành công tác thống kê trình độ của các cán bộ và có kế hoạch bồi dưỡng kỹ năng máy tính cho cán bộ.
Câu hỏi 10: Tôi sẽ được đào tạo về TABMIS như thế nào? Tôi có phải tự học cách sử dụng TABMIS hay không hay sẽ được đội dự án đào tạo cho? Khi nào tôi sẽ được đào tạo?
Trả lời:
Anh, chị sẽ được đào tạo về khái niệm, quy trình cũng như kiến thức để thực hiện các giao dịch trong môi trường TABMIS. Có hai loại hình đào tạo chính :
- Đào tạo trên lớp (do đội dự án TABMIS thực hiện).
- Đào tạo đa phương tiện trên máy tính (tự đào tạo).
Anh, chị sẽ được tham dự những khoá học tương ứng trong môi trường đào tạo trên lớp tại 1 trong 3 Trung tâm Đào tạo của TABMIS (HCM, Hà Nội và Đà Nẵng) khoảng 4 đến 6 tuần trước ngày triển khai / triển khai diện rộng. Những giảng viên địa phương của đội dự án TABMIS sẽ thực hiện công tác đào tạo cho anh, chị.
Hầu hết các khoá học sẽ có sẵn dưới hình thức đào tạo đa phương tiện trên máy tính, anh, chị có thể tải tài liệu này về máy tính để bàn/máy tính xách tay của mình để thực hành hoặc ôn lại những gì học trên lớp và vào lúc nào anh, chị thấy thuận tiện và phù hợp. Đây được coi là hình thức tự đào tạo.
Câu hỏi 11: Tại sao công tác truyền thông của TABMIS được đặc biệt coi trọng như vậy?
Trả lời:
Công tác truyền thông rất quan trọng vì đó là cách rất tốt trong giai đoạn trước khi triển khai diện rộng có thể mang lại hiểu biết, những sự mong đợi ở dự án cùng sự ủng hộ và đóng góp nhiệt tình từ phía đối tác ở mọi cấp.
Để thực hiện thành công TABMIS, chúng ta cần có sự cam kết và ủng hộ của tất cả các bên liên quan. Truyền thông được đặc biệt coi trọng vì đó là cơ chế chính thiết lập nhận thức, nâng cao hiểu biết, tạo kập các kỳ vọng về dự án cũng như sự cam kết và ủng hộ của các bên liên quan trước khi bước vào giai đoạn triển khai diện rộng. Đã có rất nhiều hoạt động truyền thông được tiến hành, ví dụ như Hội thảo lãnh đạo của Kho bạc, những nhà quản lý cấp cao và cấp trung tham dự vào hội thảo này đều được cung cấp thông tin vắn tắt về TABMIS. Với mục đích làm cho công tác truyền thông được thực hiến hơn, BTC cũng đã thiết lập một mạng lưới truyền thông TABMIS tại đó mọi điều phối viên và tuyên truyền viên TABMIS được chỉ định từ Kho bạc hoặc cơ quan tài chính đều có trách nhiệm giúp đỡ trong việc truyền tải các thông điệp về dự án tới cho các cán bộ tại tỉnh và huyện mình.
Như vậy, ở mọi cấp, công tác truyền thông thông qua nhiều hoạt động khác nhau đưa các bên liên quan đến dự án cần lại gần hơn đến nền móng xây dựng TABMIS, một dự án được xây dựng cho đúng các đối tác của TABMIS, nhất là người dùng cuối.
Câu hỏi 12: Có rất nhiều nước đã thực hiện không thành công công tác cải cách tài chính công, vậy khả năng thành công của TABMIS tại Việt Nam là bao nhiêu? Những khó khăn và cản trở đã được dự báo và có giải pháp khắc phục chưa?
Trả lời:
TABMIS là một dự án rất lớn xét trên phương diện quy mô và chi phí, tuy vậy cũng không có lý do gì để ta nghi ngờ về khả năng thành công của dự án. TABMIS không phải là một dự án tư vấn. Đó là một dự án với một hệ thống “thật” và hiệu quả. Lãnh đạo Bộ Tài chính và Kho bạc trực tiếp làm việc trong dự án và chúng ta đang tiến hành các công việc theo kế hoạch hoạt động dự án. Chúng ta cũng đang rất thận trọng trong việc thay đổi về chính sách, thiết kế của giải pháp TABMIS và chuẩn bị về nguồn nhân lực để tiến hành triển khai. Chúng ta đã vượt qua phần khó nhất của dự án, đó là thiết kế Quy trình tương lai. Với sự cam kết và ủng hộ của các lãnh đạo cấp cao, chúng ta tin tưởng rằng dự án TABMIS sẽ thành công./.
Ban chỉ đạo triển khai TABMIS tỉnh Ninh Thuận.