Lạ thường
Từ ngày 18 - 23.4, tại xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, Yên Bái, một đàn chim lớn chừng 300 - 400 con xuất hiện, bay lượn trên bầu trời, rồi về đậu xung quanh các bờ ao và mô đất ở 2 thôn Long Ỏ và Xa Tiu. Loài này có đặc điểm là phía phần lưng màu nâu xám, cánh lông có chỗ màu trắng, chân dài và có mỏ nâu, con chim lớn nhất có trọng lượng khoảng 2kg. Chúng rất hiền lành, khi có người đến gần chúng sợ hoặc bay đi. Thấy chim lạ xuất hiện nhiều, một số người dân trong xã đã lấy súng hơi và nỏ bắn chết hàng chục con.
Phát hiện chim lạ, người dân nên báo cho các cơ quan bảo vệ động vật hoang dã
Cùng đó, ngày 18.8, hai em học sinh Trường THCS Mường Toong thuộc xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên bắt được 1 con chim lạ bay lạc vào bìa rừng cạnh đường giao thông chính. Chim có trọng lượng 3kg, sải cánh rộng 25cm, dài 60cm, cao 80cm, thân chim dài 35cm. Cách đó 2 ngày họ đã nhìn thấy một đàn chim này khoảng hơn 30 con đang cư trú tại các cánh rừng ở xã Mường Toong và cả xã Mường Nhé vùng giáp ranh cũng có loài chim này.
GS Võ Quý, Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam cho biết, con chim bắt được ở Mường Tè là loài hạc trắng phương Đông. Đây là loài chưa bao giờ xuất hiện ở Việt Nam. Chúng sinh sống ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Xibi. Vùng sinh sống của chúng là ở phía Nam Trung Quốc, thuộc nhóm chim ăn thịt. Chúng có tập quán sinh sống ở các đầm lầy, nên khi bị lạc vào rừng, đói, chúng không có sức để bay nữa và bị người dân bắt được. Đặc biệt là loài này chưa bao giờ di cư quá biên giới Trung Quốc và cũng chưa bao giờ xuất hiện ở Việt Nam. Còn đàn chim xuất hiện ở Văn Chấn thì chưa thể kết luận nó là loài gì.
Chim đặc biệt nhạy cảm với thời tiết
GS Phạm Hồng Quyền, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cho biết, đây là loài cò nhạn vừa di cư từ Lào và Thái Lan về Việt Nam. Theo xác nhận của các chuyên gia VACNE: Đàn "chim lạ" này thực chất là cò nhạn (có nơi gọi là cò ốc), thuộc họ hạc. Ở nước ta, cũng chỉ xuất hiện ở một vài nơi (miền Tây Nam bộ và Tây Ninh) với số lượng không nhiều (vài ba đàn, mỗi đàn hơn một trăm cá thể). Những năm gần đây, số lượng cá thể cò nhạn giảm sút rất nhanh, đang tiến dần tới nguy cơ tuyệt chủng, ở bậc R (hiếm) trong Sách đỏ Việt Nam. Loài cò này khá to (cho nhiều thịt) và tương đối hiền lành, nên dễ bị người dân địa phương săn bắn khi chúng đang kiếm ăn trên đồng ruộng.
Tuy nhiên, theo GS Võ Quý, chưa thể khẳng định đây là cò nhạn vì cò nhạn thì mỏ của chúng phải hở, màu hơi sậm. Cò nhạn chỉ có ở miền Nam Việt Nam. Trong lịch sử di cư thì chúng chưa bao giờ di cư ra Bắc. Quy luật hoạt động của chúng cũng không bao giờ di cư như vậy. Vì thế, vẫn chưa thể khẳng định đây là loại chim gì. Chỉ có thể biết đó là loài chim quý, cần phải có các biện pháp bảo vệ phù hợp.
Theo GS Võ Quý, biến đổi khí hậu, quá nóng hoặc quá lạnh khiến cho chim phải di cư. Tuy nhiên, sự di cư đó chưa bao giờ vượt ra khỏi biên giới vùng của từng loài này. So với các loài động vật, chim là loài nhạy cảm nhất với sự thay đổi của thời tiết. Qua sự di chuyển của chúng mà con người biết được thời tiết sẽ biến chuyển ra sao. Chúng có khả năng tự thích ứng được với sự thay đổi của nhiệt độ.
Theo các chuyên gia, thời tiết thời gian gần đây thay đổi liên tục, chập chờn, làm cho hiện tượng chim di cư nhiều hơn với những hướng di cư khác lạ hơn. Trước đây đã có rất nhiều loài bị tuyệt chủng do sự thay đổi thời tiết, biến đổi khí hậu. Có loài biến mất do nóng quá hay lạnh quá. Tới đây, nhiệt độ Trái Đất thay đổi thì sẽ có rất nhiều loài đứng trước nguy cơ biến mất.
Theo các chuyên gia, người dân nên có ý thức giữ gìn môi trường, bảo tồn động vật chứ không nên giết thịt chúng. Những loài lạ thường là những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao. Việc một bầy chim di cư đến một vùng hoàn toàn xa lạ hay một con chim lạc đàn... không phải là hiếm. Nếu phát hiện, người dân nên báo cho các cơ quan bảo vệ động vật hoang dã để góp phần bảo vệ môi trường sống.
Nguồn www.danviet.vn