Thông cáo báo chí về một số nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2012

Báo điện tử Ninh Thuận giới thiệu toàn văn “Thông cáo báo chí về một số nội dung chủ yếu của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2012” của Văn phòng Chính phủ.

Ngày 03/5 và 04/5 năm 2012, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 04 năm 2012, thảo luận và quyết nghị về một số nội dung chủ yếu sau:

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2012, Chính phủ thống nhất đánh giá: Các bộ ngành, địa phương đã chủ động triển khai quyết liệt Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012. Tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm đã có chuyển biến, đúng hướng, đạt được một số kết quả tích cực bước đầu trên nhiều lĩnh vực.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cuối năm 2011, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Lãi suất tín dụng tiếp tục giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại hối được cải thiện, tỷ giá ổn định, thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc.

Sản xuất công nghiệp phục hồi khá mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 7,5%, trong đó công nghiệp chế biến tăng 9,3%. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định. Sản lượng thủy sản trong 4 tháng tăng 4,1%. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng đầu năm ước tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Sức mua tăng mạnh trong những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2011. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt trên 33,4 tỷ USD, tăng 22,1% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm ước khoảng 33,6 tỷ USD, tăng 4,4% so cùng kỳ. Nhập siêu 176 triệu USD, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm qua[1].

Các bộ ngành, địa phương có nhiều cố gắng tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tiến độ giải ngân các nguồn vốn… Đến 15/ 4, giải ngân vốn đầu tư phát triển từ NSNN ước đạt 26% kế hoạch năm. Vốn ODA giải ngân 4 tháng đầu năm tăng 1,4% so với cùng kỳ; riêng tháng 4/2012 giải ngân tăng mạnh khoảng 41% so với 3 tháng đầu năm.

Trong 4 tháng đầu năm, đã tạo việc làm cho khoảng 481 nghìn người. So cùng kỳ 2011, số hộ thiếu đói giảm 16,7% và số nhân khẩu thiếu đói giảm 20,2%.

Công tác y tế dự phòng và an toàn thực phẩm được đẩy mạnh; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm; phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được triển khai tích cực... Công tác an toàn giao thông có tiến bộ rõ rệt. So với quý I cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 22,8%, số người chết giảm 19,2%, số người bị thương giảm 26,3%.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định; công tác đối ngoại tiếp tục đạt kết quả tích cực. Cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quan tâm chỉ đạo.

Tuy nhiên, tình hình vẫn đang nổi lên những khó khăn, thách thức. Lãi suất tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao; dư nợ tín dụng giảm mạnh; khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế. Tình hình sản xuất – kinh doanh bị ngưng trệ, lượng hàng tồn kho lớn; một bộ phận doanh nghiệp dừng hoạt động. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011. Thu ngân sách nhà nước thấp hơn so với tiến độ các năm trước. Nhập siêu giảm mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư và sản xuất – kinh doanh trong thời gian tới. Đời sống của một bộ phận dân cư gặp khó khăn, nhất là ở các vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tình hình tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm, khiếu nại tố cáo của công dân, tình trạng quá tải ở các bệnh viện, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung khắc phục những khó khăn, thách thức, bám sát tình hình, kiên trì mục tiêu tổng quát đã đề ra từ đầu năm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/1/2012 và các Nghị quyết của Chính phủ, tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Tập trung thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất, có giải pháp phù hợp và khẩn trương về phân loại nợ, cơ cấu lại nợ nhằm giúp các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp cân bằng tài chính để tiến hành quan hệ tín dụng bình thường. Khẩn trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại; thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu, khoanh nợ...; tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dễ tiếp cận vốn vay.

Về chính sách tài khóa, phải bảo đảm cân đối ngân sách, giữ bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 ở mức 4,8% GDP như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và khuyến khích đầu tư xã hội, thúc đẩy đầu tư FDI qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tập trung vốn tín dụng của nhà nước vào phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về điện, giao thông…

Tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là những lĩnh vực có lợi thế về thị trường như nông nghiệp, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Kiểm soát tốt giá cả thị trường, nhất là đối với những sản phẩm hàng hóa thiết yếu đối với cuộc sống.

Các Bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo tái cơ cấu cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu đầu tư; triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội theo các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra từ đầu năm, trong đó lưu ý nắm bắt, xử lý các bức xúc nổi lên như hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động bị mất việc từ các doanh nghiệp phải giải thể, hoặc ngừng hoạt động.

Triển khai quyết liệt các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa; tăng cường phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy nhanh tiến độ các công trình phòng chống bão, chủ động đối phó với thiên tai, lũ lụt. Đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội, an toàn giao thông...

Các bộ, cơ quan, địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; chủ động cung cấp thông tin về nội dung chính sách, những khó khăn trước mắt và tác động dài hạn của các chính sách, cũng như những kết quả tích cực bước đầu trong việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, lãnh đạo địa phương chủ động đối thoại, cung cấp thông tin về tình hình, chủ trương, chính sách. Công tác thông tin tuyên truyền khách quan, thận trọng, đề cao trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2012.

Trước tình hình doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe các phản ứng chính sách từ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh chính sách phù hợp.

Sau phiên họp này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó sẽ áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt, hạ nhanh lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Có các biện pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như giảm và giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, mở rộng diện giảm tiền thuê đất, giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất...

Hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho thông qua các chương trình như khuyến khích tiêu dùng, đưa hàng về nông thôn, giải ngân nhanh vốn phát triển cơ sở hạ tầng, chương trình nhà ở xã hội (sử dụng nhiều xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, …).

Đồng thời sẽ tăng ngân sách cho hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; ưu tiên vốn tín dụng phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động...

Tại phiên họp này, Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty NN (TĐKT, TCT) và Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 ( Khóa XI) về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ./.

----------------------------------------

[1] Cùng kỳ năm 2011 nhập siêu khoảng 4,5 tỷ USD.

Nguồn www.chinhphu.vn