Chiều 4/5, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thông báo tới báo chí một số thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2012, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã tập trung phân tích rất kỹ tình hình kinh tế tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2012. Chính phủ tập trung vào các giải pháp thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hợp lý, đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế.
Hết sức chủ động trong điều hành
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết, nếu bám sát các chỉ tiêu đã đặt ra từ đầu năm, tình hình kinh tế vĩ mô nói chung đã đạt được những bước tiến quan trọng. Đặc biệt, chỉ số CPI giảm liên tục, 4 tháng đầu năm chỉ tăng 2,6%.
“Chính phủ đang điều hành theo một lộ trình hết sức chủ động, kiềm chế lạm phát nhưng không làm giật cục, chuyển từ thế bị động ứng phó với lạm phát sang điều hành chủ động theo lạm phát mục tiêu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, thông thường CPI của quý I chiếm 1/2 cả năm. Như vậy, có cơ sở để tin tưởng rằng chỉ số CPI cả năm chắc chắn sẽ dưới một con số.
Bên cạnh đó, lãi suất tín dụng tiếp tục giảm mạnh, thanh khoản của hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại tệ tăng là những yếu tố rất quan trọng cho nền kinh tế vĩ mô, giúp người dân và nhà đầu tư có niềm tin vào đồng nội tệ.
Bộ trưởng nhận định, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục nỗ lực và chủ động, các mục tiêu đã đặt ra không phải là bất khả thi. Tất cả những chỉ số đạt được cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng.
Lưu ý số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, ngưng sản xuất, làm thủ tục giải thể nhiều hơn so với trước đây, Bộ trưởng cho biết sau kỳ họp Chính phủ tháng trước, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Hiệp hội khảo sát, đánh giá thực trạng các doanh nghiệp.
Việc khảo sát và đánh giá này đã giúp hình thành một bức tranh tương đối rõ về thực trạng các doanh nghiệp. Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng định kỳ thường xuyên nắm rõ tình hình, những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp tháo gỡ khó khăn, phản ứng chính sách kịp thời, đồng thời làm rõ hơn các bước liên quan đến tái cơ cấu.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo điều hành theo hướng chủ động và kiên định chính sách ổn định vĩ mô trên tinh thần không để tái lạm phát, không để tình trạng nguy cơ đổ vỡ ngân hàng.
Trong vài ngày tới, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết riêng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bao gồm các gói giải pháp tổng hợp về vĩ mô, tiền tệ, cải cách thủ tục hành chính… một số kiến nghị về miễn, giảm, gia hạn một số loại thuế đối với doanh nghiệp.
Mặt khác, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện lộ trình tái cơ cấu ngân hàng, kiên trì điều hành chính sách tiền tệ theo đúng mục tiêu đầu năm đề ra, triển khai thực hiện một cách chủ động, không để tình trạng “đầu năm bó chặt, cuối năm bị động”, không “giật cục”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam: Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng định kỳ
thường xuyên nắm rõ tình hình, những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp
tháo gỡ khó khăn, phản ứng chính sách kịp thời. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về lãi suất ngân hàng, Bộ trưởng cho biết, sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ linh hoạt điều hành để đưa lãi suất về theo đúng mức hợp lý khi lạm phát đã giảm xuống. Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt theo 2 mục tiêu là kiềm chế lạm phát và tăng trưởng ổn định.
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, những khó khăn hiện tại vừa là thách thức vừa là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ… Việc tái cơ cấu doanh nghiệp mà trọng tâm là các doanh nghiệp Nhà nước là vấn đề phải làm thường xuyên, trên tinh thần hướng đến nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.
5 nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp
Thông tin thêm cho báo chí về chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, gói giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp lần này dựa trên 5 nguyên tắc: Đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát quay trở lại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ đúng đối tượng, đúng doanh nghiệp khó khăn và kịp thời; đảm bảo và tính đến khả năng cân đối của ngân sách nhưng đồng thời hỗ trợ để tạo điều kiện về vốn, thanh khoản cho doanh nghiệp; phối hợp tốt với điều hành chính sách tiền tệ để từng bước giảm lãi suất và giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và đặc biệt là tái cấu doanh nghiệp.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, những doanh nghiệp khó khăn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất gia công trong ngành sản xuất chế biến nông lâm thủy hải sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng, các doanh nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép…
Gói hỗ trợ sẽ tập trung vào thuế, như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thuế giá trị gia tăng, giảm 50% tiền thuê đất của doanh nghiệp thương mại và dịch vụ…
Về giải pháp chi ngân sách, đẩy nhanh phân bổ chi đầu tư xây dựng cơ bản và đẩy nhanh quá trình giải ngân, Chính phủ sẽ bổ sung thêm 1.000 tỷ đồng cho vay đầu tư kiên cố hóa kênh mương, cho phép sử dụng phần kinh phí tạm dừng mua sắm theo Nghị quyết 11 của năm 2011 được chuyển sang 2012. Những giải pháp này sẽ giúp đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho và giúp cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, tháo gỡ dần khó khăn.
Đồng thời, cũng sẽ có các giải pháp mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho biết, theo tính toán sơ bộ, gói hỗ trợ khoảng 29.000 tỷ đồng. Trong đó, các giải pháp về giãn thuế khoảng 16.000 tỷ, giãn thuế giá trị gia tăng khoảng 12.300 tỷ, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 3.500 tỷ.
Các giải pháp tài chính trực tiếp giảm chi phí cho doanh nghiệp như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế khoán đối với hộ, thuế môn bài giảm khoảng 4.100 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất khoảng 1.500 tỷ đồng; lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ (từ 1/6/2012 tới 1/1/2013) giảm nghĩa vụ đóng thuế cho doanh nghiệp khoảng 3.000-3.200 tỷ. Các giải pháp về chi tiêu trị giá khoảng 2.670 tỷ đồng.
Đánh giá thật kỹ tác động của phí giao thông
Đề cập đến vấn đề phí giao thông, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết thêm, phí bảo trì đường bộ được quy định trong Luật Đường bộ, lẽ ra phải được thực hiện từ trước, nhưng xét thấy đây là vấn đề có liên quan mật thiết đến rất nhiều đối tượng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành chuẩn bị thật kỹ, hoàn thiện lại phương án thu phí, trong đó có đánh giá tác động đến đời sống nhân dân, sau đó hoàn chỉnh đề án, có lộ trình, kế hoạch truyền thông đến nhân dân cùng biết, cùng thực hiện vào tháng 1/2013.
Với phí hạn chế phương tiện giao thông, phí hạn chế ô tô đi vào trung tâm, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ cần chuẩn bị kỹ hơn, với cơ sở khoa học vững chắc, đánh giá tác động cụ thể… Trên cơ sở đó, Thủ tướng sẽ xem xét, sau đó trình Chính phủ và trình Quốc hội.
Nguồn www.chinhphu.vn