Sẵn “cá,” thiếu “cần”
Theo báo cáo hiện trạng thống kê phổ cập điện thoại, Internet và nghe nhìn, rất nhiều tỉnh, thành đã đạt 100% về truyền dẫn cáp quang, cáp đồng, tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng đến cấp xã.
Với sự tăng cường đầu tư hạ tầng của các nhà cung cấp viễn thông di động, tỷ lệ phủ sóng từ lâu cũng đã vươn tới các vùng biên giới, hải đảo.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân cho dù không có đường truyền bằng dây vẫn có thể thoải mái lướt web trên nền tảng 3G, GPRS và trong tương lai sẽ là 4G. Giá cước truy cập Internet ở Việt Nam được xem là rẻ nhất trong khu vực… Thế nhưng, việc truy cập Internet ở khu vực này còn quá nhỏ so với thành thị.
Tại Tọa đàm “Tác động của Internet tới sự phát triển của kinh tế Việt Nam” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc phổ cập Internet nông thôn gặp khó chính là các thiết bị đầu cuối còn khá đắt.
Thực tế cho thấy, người nông dân quanh năm thắt lưng buộc bụng khó lòng mà bỏ ra một số tiền lớn để mua một chiếc máy tính, điện thoại thông minh chỉ để lướt web. Trong khi đó, họ lại ít biết về công nghệ và còn nhiều mối lo khác trong cuộc sống.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, hiện còn thiếu các thiết bị đầu cuối để truy cập Internet ở nông thôn. Chúng ta cũng có nhiều chương trình máy tính giá rẻ, hỗ trợ học sinh-sinh viên… nhưng khi triển khai lại gặp rào cản. Và, “sau rất nhiều lời hô hào vẫn chưa thấy thực sự đáp ứng nhu cầu của người dân,” ông Liên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, những nội dung số của người Việt dành cho trình độ của người dân nông thôn còn rất ít. Doanh nghiệp nội dung dường như chỉ tập trung vào khách hàng ở thành phố để đem lại doanh thu nhanh chóng chứ không mấy khi làm ứng dụng cho những người chân lấm tay bùn.
Với tình trạng này, có thể thấy việc truy cập Internet của nông dân sẽ còn là một bài toán khó giải. Một chuyên gia đã ví von rằng chúng ta đã sẵn hạ tầng (cá), nhưng lại thiếu cần câu (thiết bị đầu cuối) và cả mồi (nội dung số).
Trong khi đó, việc đưa Internet đến người dân nông thôn sẽ có rất nhiều ý nghĩa trong nâng cao dân trí, giúp họ tiếp cận gần hơn với tiến bộ khoa học kỹ thuật (canh tác, trồng trọt), thị trường để phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách nông thôn-thành thị.
“Tháo nút cổ chai”
Để giải quyết bài toán thiết bị đầu cuối, ông Mai Sean Cang (Intel Việt Nam) đưa ra ví dụ dùng Quỹ Viễn thông Công ích ở Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ. Đó chính là việc người dân vùng sâu, vùng xa ngoài việc được hỗ trợ băng rộng, nếu không có tiền sẽ được Quỹ hỗ trợ mua máy tính.
Ông Vũ Hoàng Liên thì cho rằng, để các chương trình đưa máy tính về vùng khó tác động nhanh hơn đến người dân thì các cơ quan Nhà nước cần phải định hướng kích cầu cụ thể. Các tổ chức, doanh nghiệp cũng cần đưa ra các nội dung số tốt để phục vụ cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho hay sẽ gỡ “nút cổ chai” để phát triển và đưa Internet về nông thôn.
Cụ thể, trong chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có việc không chỉ hỗ trợ hạ tầng mạng, mà còn là máy tính cho các điểm cung cấp dịch vụ Internet công cộng.
“Chính phủ, Bộ Thông tin-Truyền thông đã và sẽ thúc đẩy đưa Internet tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin cho người dân,” ông Thắng nói.
Cũng theo Thứ trưởng Thắng, trung bình mỗi năm chương trình viễn thông công ích hỗ trợ 1.500 tỷ đồng để phát triển hạ tầng (như đưa Internet băng rộng đến cơ quan chính quyền các cấp, trường học, bệnh viện, đồn biên phòng, các điểm truy cập công cộng và kể cả các hộ gia đình…).
Đến năm 2020, Việt Nam sẽ phổ cập Internet băng rộng đến phần lớn lãnh thổ, đến tận nơi những người có nhu cầu sử dụng Internet.
Tuy nhiên, khi đã có cơ sở hạ tầng, thì người dân cũng cần phải có kiến thức, hiểu biết về Internet. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Trung ương Đoàn vừa ký kết hợp tác triển khai Chương trình kết nối mạng tri thức, huy động hàng triệu đoàn viên trên cả nước cùng truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng cho người dân, đặc biệt nông dân sử dụng máy tính, thúc đẩy Internet phát triển.
Bên cạnh đó, một rào cản cho sự phát triển Internet Việt Nam chính là việc hơn 70% người sử dụng không biết tiếng Anh. Bởi vậy, các doanh nghiệp nội dung cần chú trọng vấn đề bản địa hóa các chương trình, ứng dụng trên Internet. “Chính phủ sẽ có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển ứng dụng phù hợp văn hóa, ngôn ngữ, trình độ sử dụng của người Việt Nam,” ông Thắng cho biết.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang trình Chính phủ xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển các thiết bị đầu cuối giá rẻ, đặc biệt smartphone, máy tính bảng giá rẻ… để kích thích các doanh nghiệp trong nước tham gia vào lĩnh vực này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự quyết tâm của Nhà nước, phía các doanh nghiệp, Hiệp hội cũng cần phải tích cực hơn nữa trong việc “phổ cập” Internet đến nông thôn. Có vậy, mới mong Việt Nam có “nông thôn số.”
Nguồn QuanTriMang.com.vn