Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống vừa qua, ông Putin đã công bố những mục tiêu kinh tế to lớn: Đến năm 2020 sẽ đưa nước Nga vươn lên Top 5 nền kinh tế lớn nhất hành tinh, với GDP bình quân đầu người đạt 35.000 USD; nâng lương cho giáo viên, bác sĩ và tăng phúc lợi xã hội.
Nhiều chuyên gia đánh giá những mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được, tuy nhiên, trên con đường tới đích cũng có rất nhiều thách thức.
Phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ
Số liệu chính thức cho thấy “sức khỏe” của kinh tế Nga rất tốt và khiến cho nhiều quốc gia phương Tây phải ghen tị ! Nước Nga có dự trữ ngoại hối trên 500 tỷ USD; nền tài chính công khá lành mạnh (thâm hụt ngân sách chỉ tương đương 0,5% GDP) và tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 4% mỗi năm. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, thực tế lại không hoàn toàn sáng sủa như vậy.
Sức mạnh vĩ mô của kinh tế Nga chủ yếu dựa vào khai thác nguồn tài nguyên trong lòng đất, trước hết là dầu khí. Xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt đóng góp một nửa tổng thu ngân sách Liên bang cũng như dự trữ ngoại hối quốc gia. Xuất khẩu dầu khí luôn là viên đá tảng cho phát triển kinh tế Nga 20 năm qua, nhờ giá dầu tăng từ 30 lên 130 USD/thùng.
Vấn đề đặt ra hiện nay đối với nhiệm kỳ 3 của Tổng thống Putin là “kỷ nguyên dầu mỏ” dường như đang đi vào hồi kết. Nước Nga không thể cứ dựa mãi vào nguồn “vàng đen” để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Nếu giá dầu chỉ quanh mức 100 USD/thùng như hiện nay có thể sẽ đẩy ngân sách Nga vào tình trạng thâm hụt.
Cuối tháng 3/2012, hãng đánh giá tín dụng Standard and Poor's (S&P) cảnh báo có thể đánh tụt xếp hạng tín nhiệm của Nga nếu giá dầu giảm, vì nguồn thu ngân sách sụt giảm sẽ tác động mạnh đến kinh tế Nga.
Trong dự báo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kỳ vọng kinh tế Nga sẽ tăng trưởng tốt ở mức 4,0% trong năm nay và 3,9% trong năm 2013.
Sự phân hóa giàu nghèo
Sự phân hóa về thu nhập đang chia nước Nga thành 2 tầng lớp hoàn toàn khác nhau. Chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm dân cư, giữa các vùng miền nước Nga rất lớn.
Số liệu thống kê cho thấy khoảng cách thu nhập giữa 10% số người giàu nhất và 10% số người nghèo nhất ở tủ đô Moscow hiện vào khoảng 29 lần; ở các khu tự trị đang khai thác dầu khí giàu có như Khanty-Mansisk và Yamalo-Nenets là khoảng 20 lần.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh tại các thành phố và khu khai thác dầu đã góp phần làm cho những người đã giàu lại càng có nhiều cơ hội có thêm những khoản thu mới trong khâu phân phối lại. Kết quả là những người giàu lại càng giàu hơn, còn những người nghèo thì hoặc là tiếp tục nghèo, hoặc là duy trì thu nhập của mình ở mức như trước đây.
Nếu nguồn thu ngân sách không tăng thêm, Chính phủ Nga nhiệm kỳ mới sẽ đứng trước nhiều khó khăn để tăng phúc lợi xã hội cho người nghèo.
Nạn tham nhũng
Các khoản hối lộ dưới mọi hình thức tại Nga chiếm khoảng 300 tỷ USD/, tương đương hơn 15% GDP.
Có một nghịch lý là trong khi số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ lạm phát tương đối thấp (7%), thì đại bộ phận dân chúng Nga lại phàn nàn về vật giá leo thang. Giới phân tích cho rằng chính tham nhũng đã buộc người dân phải chi những khoản tiền mà đáng lẽ ra không cần phải chi và đây chính là kiểu lạm phát trá hình đang làm trì trệ quá trình hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và gây cản trở cho phát triển kinh tế Nga.
Chắc chắn trong nhiệm kỳ mới, Tổng thống Putin sẽ phải tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt với nạn tham nhũng.
Nguồn www.chinhphu.vn