Kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2012):

Đại đoàn kết toàn dân tộc - Cội nguồn sức mạnh làm nên thắng lợi vĩ đại

Mùa xuân 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đập tan toàn bộ quân đội và bộ máy hành chính các cấp của chính quyền Sài Gòn – công cụ thực hiện chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi 30 năm chiến tranh giải phóng, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân kéo dài hơn một thế kỷ, đưa đất nước ta bước sang kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Có được thành quả huy hoàng này, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã phải trải qua muôn vàn thử thách, cam go, ác liệt và hy sinh, đã kế thừa và phát triển truyền thống yêu nước, ý chí quật cường, bản lĩnh, trí tuệ của người Việt Nam, văn hóa Việt Nam lên một tầm cao mới. Thành quả vĩ đại đó cũng chính là kết quả của việc huy động tổng lực sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh.

 
Tp. Phan Rang - Tháp Chàm hôm nay. Ảnh: Văn Miên

Nhìn lại cuộc kháng chiến chống Mỹ, với biết bao sự kiện và chiến công hiển hách, nhưng cũng đầy gian khổ, tổn thất lớn lao gắn liền với vận mệnh quốc gia, dân tộc, chúng ta càng thấu hiểu sâu sắc bản lĩnh và quyết tâm sắt đá trước sau như một của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta là phải đánh bại quân xâm lược Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Nhưng Mỹ là một đế quốc có sức mạnh kinh tế, quân sự hơn ta rất nhiều lần, do vậy để đánh thắng chúng phải có thời gian, phải đánh lùi từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, và đặc biệt là phải giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn để đánh thắng quân thù. Đây là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân 1975.

Minh chứng là: sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, với mưu đồ xâm lược và áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, Mỹ - Diệm triển khai kế hoạch “tố cộng, diệt cộng”, đưa máy chém đi sát hại hàng loạt đảng viên, cán bộ cách mạng và đồng bào yêu nước trên khắp các địa phương miền Nam. Với bản lĩnh kiên cường và quyết tâm thống nhất Tổ quốc, không chịu khuất phục trước những âm mưu và hành động dã thú của quân thù, các tầng lớp nhân dân trên khắp miền Nam đã đoàn kết lại, liên tục nổi dậy đấu tranh, mà đỉnh cao là phong trào “Đồng khởi” cuối 1959 và 1960, phá banh, phá rã từng mảng chính quyền địch, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.

Thắng lợi Đồng khởi đã đẩy chính quyền Sài Gòn lung lay đến tận gốc rễ. Để cứu vãn tình thế, Mỹ triển khai chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam. Phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của Đồng khởi, quân và dân ta đẩy mạnh tiến công địch giành những thắng lợi lớn. Những trận thắng vang dội trong năm 1963 như Ấp Bắc, Gò Keo, Đức Hòa, Bến Cát… đã chứng tỏ sức mạnh đoàn kết dân tộc, sự trưởng thành của lực lượng vũ trang – đòn xeo của phong trào cách mạng miền Nam. Đặc biệt, từ thắng lợi Ấp Bắc, phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công” ra đời và nhanh chóng lan tỏa rộng khắp miền Nam. Thêm vào đó, phong trào đấu tranh của tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo miền Nam đòi quyền bình đẳng tôn giáo bùng nổ dữ dội, giáng bồi một đòn mạnh vào nền tảng thống trị của chế độ Sài Gòn. Trước thực trạng này, Mỹ quyết định “thay ngựa giữa dòng”- tiến hành đảo chính, loại bỏ Diệm – Nhu, mong nhanh chóng ổn định tình hình miền Nam; nhưng ngược lại càng làm cho nội bộ chính quyền thêm hỗn loạn. Các cuộc đảo chính tranh giành quyền lực của các phe, nhóm liên tiếp diễn ra. Trong khi đó, phong trào đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận với nhiều phương thức phong phú của nhân dân ta ngày càng phát triển mạnh mẽ trên cả ba vùng chiến lược và giành thêm nhiều thắng lợi quan trọng như Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài… Đến giữa 1964, ta đã nắm quyền kiểm soát một phần ba dân số miền Nam, đẩy “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đến bờ vực phá sản. Cùng với quá trình chiến đấu và chiến thắng đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường bền chắc.

“Chiến tranh đặc biệt” thất bại, Mỹ quyết định triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ” – đưa quân viễn chinh và quân đồng minh vào trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam, đồng thời tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc quy mô lớn bằng không quân và hải quân, quyết khuất phục dân tộc Việt Nam bằng sức mạnh quân sự của chúng.

Sớm tiên liệu được mưu đồ thâm hiểm, bản chất hiếu chiến của Mỹ, ngay từ tháng 3 năm 1964, Đảng ta đã triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt – “Hội nghị Diên Hồng” của thời đại Hồ Chí Minh để thống nhất ý chí quyết tâm đoàn kết toàn dân tộc cùng chiến đấu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất đất nước. Và, đến mùa Xuân 1968, sau một thời gian chuẩn bị lực lượng và thế trận, quân và dân ta bất ngờ mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, đánh vào các mục tiêu đầu não của địch trên khắp miền Nam, giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược.

Bị giáng đòn chí mạng trong khi nỗ lực chiến tranh của Mỹ đang ở thời điểm cao nhất (với 1,2 triệu quân, trong đó hơn nửa triệu là quân Mỹ) đã gây chấn động nước Mỹ, tạo cú sốc mạnh cho giới cầm quyền Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Chính bởi vậy, sau hơn 20 năm trăn trở và suy ngẫm (kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc), Mắc Na-ma-ra – cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ thú nhận: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng của các giá trị của nó”. Thất bại chiến lược này đã buộc Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán kết thúc chiến tranh với ta ở Pa-ri; đồng thời, chuyển sang thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” – xuống thang chiến tranh – chuyển gánh nặng chiến tranh “sang vai” chính quyền Sài Gòn.

Về phía ta, nhờ có khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những tổn thất trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm Mậu Thân từng bước được khắc phục; thế trận và lực lượng nhanh chóng được phục hồi. Chúng ta đã phối hợp với quân và dân Lào và Cam-pu-chia anh em mở các chiến dịch quy mô lớn ở Đường 9 – Nam Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia (1971) và Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng (1972). Để giành thắng lợi quyết định, năm 1972 chúng ta mở cuộc tiến công chiến lược trên ba hướng chiến trường Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Trong đó, tại hướng tiến công Trị - Thiên, chúng ta đã giải phóng cơ bản tỉnh Quảng Trị. Hòa nhịp với chiến công trên chiến trường miền Nam, bằng sức mạnh tổng hợp của phòng không nhân dân ba thứ quân, miền Bắc đã làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” – đập tan cuộc tập kích không quân chiến lược của Mỹ trên bầu trời Thủ đô Hà Nội (12-1972). Với những thắng lợi chiến lược này, chúng ta đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, rút hết quân chiến đấu Mỹ ra khỏi miền Nam, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Theo Hiệp định Pa-ri, quân Mỹ phải rút, nhưng quân đội ta vẫn giữ nguyên hiện trạng thực sự là một điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam. Khi cả thế, lực về quân sự đã chiếm ưu thế, khí thế quật khởi của toàn dân tộc đã bùng đến đỉnh điểm, mùa Xuân 1975, quân và dân ta mở trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, tiến công và nổi dậy đồng loạt giải phóng Tây Nguyên, tiếp đến là Huế và Đà Nẵng, rồi giải phóng Sài Gòn – Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Như vậy, đại đoàn kết dân tộc thực sự là cội nguồn của sức mạnh để làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975. Đồng thời, đây cũng chính là bài học còn nguyên giá trị vận dụng trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc hiện nay của chúng ta.

Theo Báo Nhân Dân, tháng 4-2012