Việc điều chỉnh giá xăng dầu là cần thiết và hoàn toàn khách quan trên cơ sở
chia sẻ lợi ích của toàn bộ nền kinh tế.
Quyết định mới đây của Liên Bộ Tài chính-Công Thương về tăng giá xăng, dầu từ 20h ngày 20/4/2012 đang thu hút sự chú ý của dự luận xã hội.
Lý giải ý kiến doanh nghiệp thường kêu lỗ để tăng giá, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính, việc điều chỉnh giá xăng dầu (mặt hàng nhạy cảm đến toàn bộ nền kinh tế, đời sống người dân) là vấn đề được các cơ quan chuyên trách cân nhắc, đồng thời phải căn cứ theo những quy định của Nhà nước và diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Số liệu của Cục Quản lý Giá cho thấy, nếu so sánh giá xăng dầu thế giới bình quân 30 ngày gần đây (từ ngày 19/3/2012 đến ngày 17/4/2012) so với mức bình quân tính toán 30 ngày trước đó để làm căn cứ điều chỉnh điều chỉnh giá xăng, dầu ngày 7/3/2012 (từ ngày 5/2/2012 đến ngày 5/3/2012) thì giá các loại xăng, dầu tăng từ 0,54 – 3,08%, trong đó tăng mạnh nhất là mặt hàng xăng, cụ thể: xăng RON 92 tăng 3,08% (134,05/130,05 USD/thùng); Điêzen 0,05S tăng 1,35% (137,17/135,34 USD/thùng); dầu hỏa tăng 1,55% (135,54/133,47 USD/thùng); madut 3,5S tăng 0,78% (742,65/736,94 USD/thùng); dầu thô WTI tăng 0,54% (104,49/103,92 USD/thùng).
Kể từ sau ngày điều chỉnh giá xăng dầu trong nước (ngày 7/3/2012), giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến theo xu hướng tăng và giao động ở mức cao. Mức điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước ngày 7/3/2012 vẫn ở mức kiềm chế (tiếp tục cho sử dụng Quỹ Bình ổn giá ở mức 300 đồng/lít, kg). Tuy nhiên, do giá xăng dầu thế giới vẫn giao động ở mức cao, tiếp tục tạo ra chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán trong nước hiện hành.
Trong bối cảnh đó, các giải pháp về tài chính như: thuế nhập khẩu đã ở mức 0% với tất cả các chủng loại xăng dầu, Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng hết, việc bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước là cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm thiểu tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới do chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước hiện nay với các nước lân cận (Trung Quốc, Lào, Campuchia...) khoảng từ 3.662 đồng/lít đến 7.878 đồng/lít tuỳ theo từng mặt hàng và từng nước.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết thêm, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, thời gian qua khi giá xăng dầu thế giới tăng, Nhà nước đã đứng về lợi ích của toàn bộ nền kinh tế quốc dân để điều hành giá xăng dầu.
Việc điều chỉnh giá xăng dầu là cần thiết và hoàn toàn khách quan trên cơ sở chia sẻ lợi ích của toàn bộ nền kinh tế nhằm: đảm bảo hoạt kinh doanh xăng dầu diễn ra bình thường; đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước; chia sẻ lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và Nhà nước (người tiêu dùng – bao gồm cả người tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng cho sản xuất không bị tăng giá quá cao; doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm bớt khó khăn; Nhà nước điều hành giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát).
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, việc điều hành giá xăng dầu trong nước được tính toán theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (trên cơ sở bình quân 30 ngày của từng chủng loại xăng, dầu thành phẩm, không tính theo giá của một ngày nhất định và không tính theo giá dầu thô) và Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế hình thành quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Trên cơ sở các quy định trên, việc điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua đã được Liên Bộ giám sát chặt chẽ và thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về sự cần thiết phải điều chỉnh giá, nguyên tắc điều hành và mức giá điều chỉnh.
Nguồn www.chinhphu.vn