Nếu ai đã lâu không trở lại đây, chắc sẽ phải thừa nhận rằng, thành phố mang cái tên đậm chất di sản văn hóa đang "thay da đổi thịt" một cách nhanh chóng, với đường phố sạch đẹp, nhà cửa khang trang và những khu nghỉ dưỡng ven biển thật ấn tượng... Tuy nhiên, về Ninh Thuận lần này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác lên ngay Bác Ái, một huyện miền núi phía tây của tỉnh Ninh Thuận, căn cứ cách mạng nổi tiếng trước đây và là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Quốc lộ 27, đường từ Phan Rang - Tháp Chàm lên Bác Ái rồi đến Tây Nguyên, nay cũng xuống cấp khá nhiều. Hai bên đường các trà lúa vàng rộm đang vào vụ gặt. Từng đàn trâu, bò, dê, cừu... thấp thoáng trên những sườn đồi gặm cỏ. Có cả những vườn cây xanh tốt, nhưng vườn tạp, đất hoang ở đây cũng còn nhiều... Chúng tôi đến xã Phước Tiến, một xã miền núi nằm ở phía tây nam của Bác Ái. Toàn xã có sáu thôn, 836 hộ với hơn 3.700 nhân khẩu, sống trên tổng diện tích đất tự nhiên 7.616 ha, trong đó có 1.100 ha đất sản xuất nông nghiệp. Ðất rộng, người thưa là đặc điểm của các xã vùng núi này. Với bảy dân tộc anh em sinh sống ở đây, nhưng có tới 86% số người dân tộc Ra Glai. Sáng thứ bảy vừa qua, hội trường của xã Phước Tiến tập trung đông đảo cán bộ lãnh đạo xã, cả những người dân đại diện cho các thôn, bản để đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Sau khi nghe báo cáo của xã, được biết ở xã mà Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND với những thành tích tham gia hai cuộc kháng chiến này, tới nay vẫn còn 52,7% số hộ nghèo, mặc dù các chương trình xóa đói, giảm nghèo 134, 135, 167 và chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đang phát huy tác dụng tại đây, Chủ tịch nước không khỏi băn khoăn, trăn trở...
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với đồng bào Raglai xã Phước Tiến, Bác Ái. Ảnh: Văn Miên
- Sắp tới xã ta phải làm gì và làm thế nào? Các đồng chí và bà con đừng ngại, cứ coi đây là cuộc gặp của anh em trong nhà, ta bàn cách làm ăn sao đây để thoát nghèo?
Câu nói cởi mở, thân mật của Chủ tịch nước, khiến cả hội trường như "nóng" lên. Hỗ trợ hộ nghèo vay vốn; phân công hộ làm ăn khá, giỏi giúp hộ nghèo; quy hoạch 50 ha đồng bắp cao sản; lập các HTX dịch vụ khép kín cung ứng vật tư nông nghiệp, tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm; khai thác thế mạnh chăn nuôi gia súc; quan tâm đầu tư đồng bộ hơn nữa; trồng cây công nghiệp... Nhiều ý kiến nêu ra sôi nổi, khiến cuộc gặp mặt Chủ tịch nước như một cuộc đối thoại, tìm hướng thoát nghèo của xã Phước Tiến. Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thời gian qua, việc tỉnh Ninh Thuận đã đào đắp hơn mười hồ tích nước ở phía tây, làm thay đổi hệ sinh thái vùng đất vốn khô hạn này, thảm thực vật đang ngày càng xanh tốt, do vậy sản xuất nông nghiệp ở đây có triển vọng tốt do hệ thống thủy lợi bảo đảm nước tưới. Với các xã như Phước Tiến, tập trung phát triển nông, lâm nghiệp là vấn đề lâu dài và quan trọng. Hiện nay, các mô hình trong nông nghiệp có thu nhập 50 triệu đồng, 100 triệu đồng/ha/năm có ở nhiều nơi cần tham khảo, học hỏi... Chủ tịch nước cho rằng, sự năng động, sáng tạo của cán bộ lãnh đạo xã là rất quan trọng. Không còn hộ đói nữa, nhưng để thoát nghèo cần mạnh dạn đưa vào mô hình thử nghiệm cây, con có hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện ở địa phương mình, từ đó hình thành vùng nguyên liệu hàng hóa, mới có thể thoát nghèo được. Bởi vậy, chúng ta rất cần những cán bộ, đảng viên thật sự có trách nhiệm với dân, hết lòng vì dân... Hiện nay ở Phước Tiến, bình quân thu nhập đầu người là 5 triệu đồng/năm; bình quân lương thực đầu người là 946 kg/năm; cơ bản xóa được nhà tạm cho hộ nghèo từ năm 2010; mới mở chợ phiên ở trung tâm xã để bà con quen dần với trao đổi, mua bán trên thị trường... Một thực tế ở Bác Ái cho thấy, kể cả việc được đầu tư điện, đường, trường, trạm khá hoàn chỉnh, nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở đây vẫn còn cao, quá nửa số hộ dân bình quân toàn huyện (55,4%). Không còn cách nào thoát nghèo khác hơn là tập trung cho phát triển sản xuất!
Ðược biết, ở Bác Ái đang cho trồng thử nghiệm hơn 700 ha cao-su, do Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Tân Tiến làm chủ đầu tư. Với tác phong sâu sát, cụ thể, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến tận nơi để xem kết quả thế nào. Giữa trời trưa nắng chang chang, tại vườn cao-su khoảng bốn tuổi, thân cây gần bằng bắp chân, Chủ tịch nước tự tay bấm vào thân cây và nhìn thấy nhựa trắng tứa ra, nét mặt ông trở nên bớt đăm chiêu. Chủ tịch nước vui vẻ nói chuyện với Giám đốc Công ty Trần Anh Vũ và mọi người chung quanh: - Tôi vốn là dân nông trường, nên nhìn vườn cao-su ở đây, dưới gốc cây còn dơ, cỏ mọc nhiều, tôi chắc là ông Giám đốc chưa nghĩ ra cách tạo động lực cho người lao động! Thế rồi câu chuyện quanh cây cao-su, chất đất, giống cây, trồng xen lấy "ngắn nuôi dài" thế nào, học thêm kinh nghiệm ở đâu?... cứ say mê tưởng chừng không dứt. Ở Ninh Thuận còn có cây Ne-em, hay còn gọi là cây xoan chịu hạn, có nguồn gốc từ Ấn Ðộ, được đưa về trồng khá lâu để chắn gió cát. Nay, Nhật Bản sẵn sàng đầu tư vùng nguyên liệu, chế biến để chiết xuất làm thuốc bảo vệ thực vật... Có thể nói, còn nhiều tiềm năng để phát triển trên vùng đất này, khi vườn tạp, đất hoang cũng còn nhiều ở các huyện miền núi như Bác Ái, Ninh Sơn.
Trong chuyến đi này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tới nơi dự kiến đặt Nhà máy điện hạt nhân số 1, để trực tiếp nắm tình hình và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân nằm trong vùng phải di dời ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Nhà cộng đồng của thôn Vĩnh Trường khi chúng tôi đến đã đông nghẹt người, có thể nói "nam, phụ, lão, ấu" đủ cả. Ở thôn này có 173 hộ với hơn 700 khẩu, chủ yếu sinh sống bằng nghề biển, còn lại là làm nông nghiệp, làm thuê, buôn bán nhỏ lẻ... Tại cuộc gặp này, Chủ tịch nước chăm chú lắng nghe các ý kiến của người dân, thấu hiểu tấm lòng của họ khi mọi người đều biểu thị sự đồng thuận, nhất trí cao với việc di dời khỏi mảnh đất mấy đời ông cha tạo dựng để xây dựng nhà máy điện hạt nhân, phục vụ cho lợi ích chung phát triển đất nước, cũng như những băn khoăn, lo lắng của họ. Phát biểu ý kiến với đông đảo bà con thôn Vĩnh Trường, Chủ tịch nước khẳng định vấn đề an toàn của nhà máy điện hạt nhân được đặc biệt quan tâm, yêu cầu chủ đầu tư cũng như các nhà thầu khảo sát, thiết kế, thi công, nhất là tư vấn, giám sát phải đặt lên hàng đầu. Trong vấn đề di dân đến nơi ở mới, Chủ tịch nước nhắc nhở các cấp chính quyền và các cơ quan liên quan, phải bảo đảm người dân đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn hẳn so với nơi ở cũ, không để người dân chịu thiệt thòi. Chủ tịch nước còn hẹn sẽ quay trở lại để kiểm tra xem có làm được đúng như vậy hay không? Chúng tôi nhìn thấy những gương mặt bà con thôn Vĩnh Trường rạng ngời hẳn lên, bớt những âu lo... Theo anh Nguyễn Quang Nhảy, một chủ hộ trong diện di dời ở đây cho biết, tỉnh đã bố trí cho bà con trong thôn ba khu đất để chọn và mọi người đã chọn khu Gò Xanh hơn 100 ha, cho dân trong thôn ở 50 ha, cách đây hơn 5 km, gần đường ven biển, rất tiện cho việc làm ăn của bà con sau này. Bây giờ, ai cũng mong chóng được chuyển về nơi ở mới, sớm ổn định cuộc sống...
Trước khi kết thúc một ngày làm việc cật lực, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi thăm xã Phước Hậu, ở huyện Ninh Phước, một xã được giới thiệu có nhiều cái hay và có tới gần một nửa số dân trong xã là đồng bào Chăm. Có thể nói, trước năm 2008, Phước Hậu còn là một xã nghèo, sản xuất nông nghiệp lạc hậu, chi phí cao, mất mùa liên tục, thu nhập từ làm ruộng không đủ sống... Từ sau khi có Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X), Ðảng ủy xã chủ trương huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân trong xã, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, từng bước xây dựng nông thôn mới. Ðiểm đột phá ở đây sau bốn năm nhìn lại, chính là việc tập trung cho sản xuất nông nghiệp, bằng cách thay đổi tập quán lạc hậu, áp dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tăng năng suất, giảm chi phí, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Áp dụng chương trình IPM; "ba giảm, ba tăng" trên cây lúa, đến nay cho kết quả 9 tấn/ha/vụ. Từ đó, xã cải tạo 900 ha đồng ruộng, khai thông các tuyến đường, tu sửa hệ thống giao thông nội đồng bằng nguồn huy động trong dân. Thành lập các tổ hợp tác, tổ chuyên khâu phục vụ, đồng thời đưa chương trình cơ giới hóa khâu thu hoạch vào đồng ruộng để giảm thất thoát. Hiện, nông dân trên địa bàn xã đã sắm được hơn 20 máy gặt đập liên hợp của Nhật Bản... Ngoài ra, trong xã có 100 ha trồng táo, cho thu nhập bình quân 350 triệu đồng/ha/năm, cao gấp bốn lần trồng lúa, lại dễ làm, chi phí thấp, thị trường khá ổn định... Rồi chăn nuôi dê theo hộ gia đình, cho thu nhập phụ đến 40 triệu đồng/năm/hộ... Từ kinh tế khá lên, nhiều mặt đời sống xã hội khác của xã cũng vươn theo! Ðến nay, tự rà soát các tiêu chí theo Quyết định 491/TTg của Thủ tướng Chính phủ, xã Phước Hậu đã đạt 6/19 tiêu chí, mặc dù không phải xã điểm của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Theo Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Hữu Ðức, mới 35 tuổi và là "linh hồn" của những quyết tâm táo bạo, vượt khó vươn lên ở Phước Hậu, thì các tiêu chí còn lại sẽ được phân loại, lập kế hoạch thực hiện hằng năm theo Nghị quyết đề ra. Phấn đấu năm 2015 đạt 15/19 tiêu chí!
Trước khi rời Phước Hậu, trong ánh chiều tà, chúng tôi theo Chủ tịch nước đi thăm cánh đồng lúa vàng cao sản ba vụ/năm rộng bát ngát đang được máy móc thu hoạch gọn gàng; thăm những căn nhà vườn với những giàn táo quả lúc lỉu... Một xã yên bình và no ấm là bức tranh quê ở Phước Hậu. Lại nhớ tới những lời đánh giá về vai trò quan trọng của các cán bộ lãnh đạo xã của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ðúng là, cán bộ nào phong trào nấy...
Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân
Nguồn Báo Nhân Dân