Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Tham dự Hội nghị về phía Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Phân ban Hợp tác Việt – Lào.
Về phía Lào có Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotu, Phó Chủ tịch Quốc hội Somphanh Phengkhamy, Phó Thủ tướng Somsavad Lengsavath, Chủ tịch Phân ban Hợp tác Lào – Việt cùng các vị lãnh đạo bộ, ngành, đại biểu Quốc hội hai nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, việc tổ chức Hội nghị lớn này tại tỉnh Sơn La là dịp để hai nước cùng nhau ôn lại và làm sâu đậm thêm tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt – Lào, mối quan hệ tốt đẹp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane dày công vun đắp. Tỉnh Sơn La cũng là nơi lưu giữ các di tích cách mạng hai nước, nơi Chủ tịch Kaysone Phomvihane và nhiều vị lãnh đạo của cách mạng hai nước từng sống và làm việc trong thời kỳ hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Hội nghị lần này cũng là cơ hội để các đại biểu trao đổi phương hướng, giải pháp thúc đẩy, phát triển quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt – Lào.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng, với quyết tâm chung đó, hai bên sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước không ngừng phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước.
Về phía mình, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotu nói cuộc gặp mặt tại Hội nghị lần này là một trong những chương trình mang ý nghĩa to lớn chào mừng “Năm đoàn kết hữu nghị Việt – Lào 2012”.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Theo Chủ tịch Quốc hội Lào, những thắng lợi của cách mạng Lào đều gắn chặt với sự giúp đỡ và hy sinh to lớn của nhân dân Việt Nam anh em, trên tinh thần đồng chí cùng chung chiến hào, đồng cam cộng khổ, chiến thắng đế quốc xâm lược và phát triển đất nước.
Việc tham dự Hội nghị này cũng là cơ hội tốt cho các đại biểu Lào chứng kiến những thành tựu to lớn của nhân dân Việt Nam nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng trong xây dựng quê hương, đất nước. Đây cũng là nguồn cổ vũ động viên mạnh mẽ nhân dân Lào trong công cuộc xây dựng đất nước.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Phân ban Hợp tác Việt Nam – Lào nhấn mạnh, mối quan hệ hai nước cùng chung lý tưởng, mục tiêu là yếu tố cơ bản để củng cố và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, nếu không có sự nhất trí về quan điểm, đường lối chính trị phù hợp thì sẽ không thể xây dựng được mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào.
Trải qua 35 năm kể từ khi hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, các lĩnh vực hợp tác như kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học – kỹ thuật giữa hai nước có nhiều khởi sắc, đi vào chiều sâu và đạt những kết quả quan trọng, đặc biệt trong những năm gần đây, nhiều hoạt động thương mại đầu tư trở nên sôi động hơn, hiệu quả hơn.
Hướng tới tương lai, trên cơ sở phát huy những giá trị cao đẹp đã có, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh những trọng tâm trong quan hệ hai nước cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Đó là, hợp tác giáo dục – đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ chiến lược lâu dài giữa hai nước nhằm hình thành một đội ngũ cán bộ có đầy đủ năng lực và nhận thức sâu sắc về mối quan hệ đặc biệt hai nước, tạo lòng tin vững chắc lâu dài, góp phần xây dựng và củng cố quan hệ tốt đẹp giữa hai Đảng, Nhà nước, hai dân tộc Việt- Lào.
Xác định rõ việc nâng cao nhận thức và làm sâu sắc thêm quan hệ đặc biệt Việt – Lào trong hợp tác kinh tế, văn hoá, giáo dục – đào tạo, khoa học kỹ thuật… là nhân tố quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thúc đẩy hợp tác kinh tế ngang tầm với quan hệ truyền thống hai nước.
Đại biểu hai nước dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Nâng cao chất lượng vào hiệu quả hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và tinh thần quan hệ đặc biệt theo pháp luật mỗi nước nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hợp tác phát triển kinh tế giữa hai nước. Tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương có chung đường biên giới có cơ hội hợp tác toàn diện. Kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác quốc phòng – an ninh nhằm xây dựng khu vực biên giới thành khu vực hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Bên cạnh đó, hai nước phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các cam kết và có sự đồng thuận trong khuôn khổ hợp tác đa phương đối với những vấn đề có liên quan đến hai nước nhằm tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, khu vực vào mục tiêu thúc đẩy, tạo chuyển biến trong hợp tác hai nước.
Tính đến nay. đã có hơn 5.200 cán bộ, lưu học sinh Lào đang học tập tại các cơ sở đào tạo của Việt Nam và 500 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Lào.
Thương mại hai chiều năm 2011 đạt 734 triệu USD, tăng 50% so với năm 2010. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào với hơn 400 dự án, tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ USD.
Dự báo, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng 7 tỷ USD vào năm 2015, kim ngạch hai chiều đạt 2-3 tỷ USD vào năm 2015 và 5 tỷ USD vào năm 2020.
Trong năm 2012, hàng loạt công trình, dự án sẽ hoàn thành chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị Việt – Lào, như Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào, Đường 2E, Nhà máy thuỷ điện Xekhaman, Trường PTTH dân tộc nội trú Huaphan…
Nguồn www.chinhphu.vn