Bầu cử tổng thống Pháp: Hai ứng viên Hollande và Sarkozy vào vòng 2

Vào lúc 0 giờ 45 ngày 23-4 (giờ VN), AFP dẫn một số kết quả đầu tiên cuộc bầu cử tổng thống Pháp (vòng 1) với kết quả: ông Franois Hollande thuộc đảng Xã hội đạt 28% - 30% phiếu bầu trong khi đương kim tổng thống Nicolas Sarkozy thuộc đảng Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP) đạt 24% - 27,5%, ứng viên cực hữu Marine Le Pen đạt 17% phiếu bầu.

Tổng thống thuộc cánh tả?

Với kết quả trên, không có ứng viên nào đạt trên 50% phiếu bầu nên hai ứng viên đứng đầu là Franois Hollande và Nicolas Sarkozy phải vào tranh cử tiếp ở vòng 2 tổ chức vào ngày 6-5. BBC dẫn lời các quan chức Pháp cho biết, tỷ lệ đi bầu 70%, thuộc loại cao nhưng vẫn thấp hơn mức kỷ lục 73% vào năm 2007. Nếu thắng cử ở vòng 2, ông Hollande sẽ trở thành tổng thống cánh tả đầu tiên của Pháp kể từ năm 1981 (năm Tổng thống François Mitterand giành chiến thắng).

 
Ứng viên Tổng thống François Hollande trả lời báo chí sau khi bỏ phiếu.

Ông Hollande, 57 tuổi, chủ trương cắt giảm chi tiêu ít hơn ông Sarkozy nhưng muốn tăng thuế đánh vào giới nhà giàu, trong đó 75% thuế thu nhập cho các khoản thu nhập trên 1 triệu EUR, nhằm tích lũy cho các dự án tạo việc làm của chính phủ. Ông muốn tăng lương tối thiểu, tuyển dụng thêm 60.000 giáo viên và giảm tuổi nghỉ hưu từ 62 xuống còn 60 đối với một số ngành nghề đặc biệt. Ông Sarkozy, 57 tuổi, đang gặp nhiều bất lợi do tỷ lệ thất nghiệp của Pháp đang ở mức 10%, cao nhất trong vòng 12 năm qua.

Theo BBC, trong cương lĩnh vận động tranh cử của mình, Tổng thống Sarkozy hứa cắt giảm thâm hụt ngân sách và đánh thuế những người rời nước Pháp để trốn thuế. Ông cũng kêu gọi cho ra đời đạo luật “Mua hàng châu Âu” đối với các hợp đồng công và đe dọa sẽ rút khỏi khu vực tự do đi lại không cần thị thực của châu Âu, trừ phi các quốc gia thành viên khác hành động nhiều hơn để ngăn chặn tình trạng nhập cư từ các nước ngoài châu Âu.

Thế giới quan tâm

Tại Đức, một trong các nền kinh tế đầu tàu của EU, dư luận hết sức quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Báo chí Đức luôn có bài viết về sự kiện này để tìm hiểu xem chân dung lãnh đạo tương lai của đối tác chủ chốt của nước Đức là ai. Trong thời điểm khó khăn của EU, Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhiều lần kề vai sát cánh tìm lối thoát cho các con nợ trong EU. Chính vì vậy, chính khách Đức có phần ủng hộ thiên về ông Sarkozy.

Ông Sarkozy được đánh giá là đã đưa quan hệ hai bờ Đại Tây Dương nồng ấm hơn trước, song không vì thế mà báo chí Mỹ ủng hộ ông Sarkozy. Tờ Wall Street Journal nổi tiếng rất thiên hữu, cũng đã chỉ trích đường lối chạy theo xu hướng cực hữu của ông Sarkozy. Theo bài báo, “những cú tấn công của ông Sarkozy vào vấn đề nhập cư là những cố gắng nhằm tranh thủ cử tri của bà Marine Le Pen thuộc Mặt trận Quốc gia cực hữu”. Tờ The New York Times phê phán ông Sarkozy vì bị bỏ lại phía sau trong các cuộc thăm dò, nên sẵn sàng làm bất cứ điều gì, kể cả mạo hiểm về hướng cực hữu.

Ngoài các nước đồng minh, Trung Quốc cũng tỏ ra quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp. Theo AFP, có khoảng 40 nhà báo Trung Quốc tác nghiệp tại Pháp, điều chưa từng diễn ra. Tờ Hoàn Cầu Thời báo nhận định là ông François Hollande có thể thắng cử, nhưng nhiệm kỳ của ông sẽ gặp nhiều khó khăn.

Vẫn theo tờ báo này, thắng lợi của đảng Xã hội chủ yếu nhờ vào một yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát: Đó là sự chán ngán của dân Pháp đối với ông Sarkozy. Theo AFP, dưới thời Tổng thống Sarkozy, quan hệ với Trung Quốc - Pháp tốt đẹp. Trong 5 năm qua, ông Sarkozy đã 6 lần tới nước này. Các bộ trưởng Pháp cũng thay nhau tới Bắc Kinh. Chỉ riêng trong năm ngoái, đã có tới 19 cuộc viếng thăm. Năm 2007, ông Sarkozy bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống bằng việc ký kết với Trung Quốc một loạt hợp đồng trị giá 20 tỷ EUR, chủ yếu liên quan đến các dự án điện hạt nhân và máy bay Airbus.

Nguồn Báo SGGP Online