Phát triển chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh của nguồn nhân lực

(NTO) Hội thảo “Chính sách và giải pháp thu hút người lao động học nghề” vừa được UBND tỉnh phối hợp với Hội Dạy nghề Việt Nam và tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức ngày 14-4, khẳng định: Nguồn nhân lực (NNL) là một trong những nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Đây là một nhiệm vụ rất cơ bản đồng thời cũng rất cấp bách, cần được quan tâm thực hiện ở nhiều cấp khác nhau: từ những người lao động cho đến các chuyên gia, nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô. Sự phát triển NNL ở các cấp là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Thuận.

 Giờ thực hành tin học tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận. Ảnh: Duy Anh

Trong những năm qua, tỉnh ta đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án, chính sách đào tạo và nâng cao chất lượng NNL. Nâng cao tỷ lệ lao động đào tạo ngang bằng với mức trung bình của cả nước. Cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục và đào tạo nghề được quan tâm đầu tư, mạng lưới trường lớp học, cơ sở đào tạo nghề hình thành tương đối rộng khắp, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân trong tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH nhanh và bền vững trong giai đoạn tới theo Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh ta xác định phát triển NNL là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược. Với mục tiêu: “Phát triển NNL bảo đảm đủ về số lượng, có cơ cấu phù hợp, có trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất, nhân cách, có năng lực nghề nghiệp, thành thạo về kỹ năng, có tác phong chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo phục vụ tốt nhu cầu phát triển KT-XH nhanh và bền vững; đảm bảo thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế của địa phương. Phấn đấu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm đào tạo NNL chất lượng cao trên một số lĩnh vực có lợi thế cho một số tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên”.

Theo đó, tỉnh ta tập trung đẩy mạnh chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động để thúc đẩy phát triển kinh tế; nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, đến năm 2015 đạt 50% (đào tạo nghề đạt 33%) và đến năm 2020 đạt 60% (đào tạo nghề đạt trên 45%). Bảo đảm nhu cầu số lượng và nâng cao chất lượng lao động cho 6 ngành kinh tế trụ cột của tỉnh, đến năm 2015 có khoảng 290-295 nghìn người, chiếm 81,3% lao động làm việc trong nền kinh tế, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 44-45% và đến năm 2020 có khoảng 350-360 nghìn người, chiếm 85% lao động làm việc trong nền kinh tế, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 56-57%. Đẩy mạnh đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, để đến năm 2015 toàn tỉnh có khoảng 280-300 cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên; đào tạo ở nước ngoài cho 50 cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 600-610 cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên.

Thực hành sửa chữa ô-tô của thầy trò Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên

Để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn tới và thực hiện mục tiêu phát triển NNL của tỉnh đề ra, tỉnh ta đã và đang triển khai Quy hoạch phát triển NNL tỉnh đến năm 2020 với những giải pháp trọng tâm: Trước hết, tập trung nâng cao trình độ học vấn NNL, trong đó xác định giáo dục là nền tảng để nâng cao chất lượng NNL hướng đến mục tiêu “Chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đầu tư hoàn chỉnh mạng lưới trường, lớp các cấp theo hướng kiên cố và đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu; phấn đấu đến năm 2015, có 100% giáo viên các bậc học có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó có 30-35% đạt đào tạo trên chuẩn. Ban hành một số chính sách hỗ trợ cho sinh viên của tỉnh đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng ngoài tỉnh về làm việc, cống hiến lâu dài cho địa phương.

Tập trung đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho lực lượng lao động, trong đó ưu tiên đào tạo trình độ từ trung cấp nghề trở lên. Hình thành cơ cấu NNL có trình độ phù hợp với từng ngành nghề, ưu tiên phát triển NNL cho các ngành kinh tế trụ cột của tỉnh; đồng thời tăng cường công tác bồi dưỡng bổ sung kiến thức, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao cho lực lượng lao động và cán bộ lãnh đạo, quản lý bảo đảm theo kịp yêu cầu phát triển trình độ khoa học- công nghệ và hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới. Xây dựng và phát triển kế hoạch xúc tiến mời gọi các trường đại học, các trung tâm đào tạo có uy tín, có kinh nghiệm trong và ngoài nước để đầu tư thành lập cơ sở đào tạo tại tỉnh đạt tiêu chuẩn quốc tế; mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Chú trọng đào tạo và phát triển NNL có trình độ cao.

Củng cố hệ thống mạng lưới dạy nghề và mở rộng quy mô đào tạo nghề. Quy hoạch sắp xếp hợp lý các trường chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề; xây dựng trường cao đẳng nghề đạt chuẩn cấp vùng; phát triển các trung tâm dạy nghề các huyện để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho xã hội. Trong giai đoạn 2011-2015, tập trung triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phát huy vị thế mới của tỉnh là trung tâm năng lượng sạch của cả nước, đẩy mạnh liên kết với các cơ sở đạo tào có thương hiệu, có uy tín trong và ngoài nước thành lập các cơ sở đào tạo đạt chuẩn cả nước và khu vực, nhất là hình thành các cơ sở đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu NNL cho lĩnh vực năng lượng sạch, các ngành công nghiệp hỗ trợ. Hợp tác với các tổ chức khoa học trong và ngoài nước thành lập các cơ quan nghiên cứu tại tỉnh trên lĩnh vực năng lượng. Mở rộng các quy mô đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nhất là đào tạo những ngành nghề mà xã hội có nhu cầu, những ngành nghề đặc thù, nhất là NNL phục vụ cho 2 nhà máy điện hạt nhân.

Phát triển NNL phải gắn với việc tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, sử dụng, bố trí hợp lý NNL. Ưu tiên bố trí NNL đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh các nhóm ngành trụ cột của tỉnh phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm tạo thêm việc làm, đồng thời bảo đảm NNL cho các nhóm ngành này để đến năm 2015 chiếm 81,3% và đến năm 2020 chiếm 85% lao động xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam:

Ninh Thuận có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng của đất nước, vì vậy cần tập trung đầu tư các nguồn lực trong nước và quốc tế để cung cấp NNL chất lượng cao. Nhiều ngành nghề mới sẽ xuất hiện, đòi hỏi việc đào tạo NNL theo các cấp trình độ phải tăng rất lớn về số lượng và nâng cao chất lượng đào tạo. Tỉnh căn cứ vào chiến lược quy hoạch phát triển NNL, chiến lược phát triển KT-XH để xác định, dự báo và lập kế hoạch đào tạo số lượng, kỹ năng cụ thể theo từng lĩnh vực, nghề, trình độ; đồng thời chuyển nhanh sang đào tạo theo nhu cầu xã hội, nhu cầu của doanh nghiệp. Kinh nghiệm của các nước Nga, Nhật Bản, Đức… những quốc gia có thế mạnh trong phát triển năng lượng và năng lượng sạch là bài học mở ra cơ hội hợp tác mới đối với sự phát triển KT-XH và hệ thống đào tạo NNL cho tỉnh Ninh Thuận.
Tiến sĩ Bùi Đức Tú, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận:

Công tác đào tạo NNL của nhà trường trong thời gian tới sẽ chú trọng đào tạo cho 6 ngành kinh tế trụ cột là năng lượng sạch, du lịch, nông-lâm-thủy sản, công nghiệp, xây dựng và kinh doanh bất động sản. Đối với NNL cho 2 nhà máy điện hạt nhân, ngoài công tác đào tạo 2.750 chuyên gia chuyên ngành điện hạt nhân thì cần đào tạo tại tỉnh 5.250 lao động phục vụ quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Giải pháp cốt lõi để thu hút người lao động vào học nghề là nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông để từng bước thay đổi nhận thức của xã hội về đào tạo nghề theo hướng tích cực; tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu mở bổ sung các nghề đáp ứng yêu cầu đào tạo NNL phát triển KT-XH của tỉnh, nhất là yêu cầu xây dựng Trung tâm Năng lượng sạch Quốc gia. Phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề theo hướng đủ về số lượng, có trình độ cao. Tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về dạy nghề, kết hợp giữa công tác dạy nghề với công tác hướng nghiệp tạo hậu thuẫn cho công tác tuyển sinh nghề và điều chỉnh cơ cấu lao động.