Thiếu quy trình thống nhất và cơ chế khuyến khích
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) cho rằng, trong giai đoạn đầu áp dụng quy chuẩn GAP đối với sản xuất nông sản đã cho những kết quả rất đáng khích lệ, đồng thời người nông dân cũng như doanh nghiệp đã từng tham gia rất hồ hởi nhiệt tình.
Ảnh minh họa
Thế nhưng, hiện nay, có một thực tế là hiện nay các hộ nông dân cũng như doanh nghiệp tham gia GAP lại đang có tâm lý dao động muốn trở lại sản xuất theo kiểu truyền thống, bởi một lý do khá đơn giản: sản phẩm GAP chưa được thị trường thừa nhận nghĩa là sản phẩm an toàn cũng như không an toàn đang bị đánh đồng theo kiểu “cá mè một lứa”.
Ông Tiệp cho biết: “Qua khảo sát chúng tôi được biết, khi tham gia chương trình VietGAP, người trồng trọt phải tuân thủ hàng chục yêu cầu khắt khe trong quy trình nuôi trồng thế nhưng lại không được lợi gì khi mà sản phẩm bán ra chẳng khác gì các sản phẩm được sản xuất theo kiểu thông thường”.
Ngoài ra, việc quản lý trồng, chăm sóc và chất lượng rau an toàn có nơi bị buông lỏng, không kiểm soát được khiến người tiêu dùng không tin tưởng vào chất lượng. Chính vì chưa có một quy trình thống nhất và cơ chế khuyến khích sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo GAP nên đã không thu hút được các doanh nghiệp và người nông dân tham gia hưởng ứng, ít ra là trong thời điểm hiện nay.
Một câu chuyện khác nói đến bàn tay người quản lý ở đây chính là sự kịp thời cung cấp thông tin khi có những dư luận không tốt trên thị trường thực phẩm.
Cần sự chung tay của người tiêu dùng
Để sức khỏe mỗi người dân được đảm bảo thì hơn ai hết, chính mỗi người tiêu dùng cần tự “nạp” những kiến thức, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh và chất lượng của các sản phẩm mình cần mua để có thông tin khi đi mua hàng chọn được những sản phẩm, địa chỉ uy tín, chất lượng. Khi những hành động đó được làm một cách đồng loạt thì những vấn đề như tiêu thụ sản phẩm VietGAP sẽ không còn gặp trở ngại và tìm được chỗ đứng riêng cho mình trên thị trường.
Cùng với đó, cần những hành động mạnh mẽ hơn từ phía người tiêu dùng khi gặp phải những sản phẩm nông sản kém chất lượng. Cụ thể, người tiêu dùng có thể đến những văn phòng khiếu nại của Hội bảo vệ người tiêu dùng để được tư vấn và bảo vệ quyền lợi.
Những hành động kiên quyết của người tiêu dùng nếu chỉ dừng ở chỗ bài trừ thì sẽ là ngõ cụt cho người sản xuất. Nhưng nếu người tiêu dùng tiến thêm 1 bước nữa là tố cáo khiếu nại hàng kém chất lượng thì không những giúp những cơ quan quản lý chức năng có chứng cớ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa, công khai và xử phạt nghiêm những đối tượng, cơ sở sản xuất, buôn bán hàng kém chất lượng.
Khi có sự chung tay từ người sản xuất (kiên quyết không sử dụng các thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc….để nuôi, trồng), đến người tiêu dùng (sẵn sàng tố cáo những nơi bán hàng kém chất lượng) và nhà quản lý (mạnh tay xử phạt, xử phạt và thông tin kịp thời đến người tiêu dùng về những hàng hóa kém chất lượng) thì chắc chắn sẽ loại bỏ những “con sâu” để trả lại sự trong sạch cho cả “nồi canh”.
Nguồn www.chinhphu.vn