Theo Tờ trình, đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 gồm tổng số 59 dự án (56 dự án luật, 03 dự án pháp lệnh), trong đó có 38 dự án thuộc Chương trình chính thức và 21 dự án thuộc Chương trình chuẩn bị. Các dự án được đề nghị đưa vào Chương trình năm 2013 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dân sự, kinh tế (17 dự án); giáo dục - đào tạo, khoa học – công nghệ, y tế, văn hóa – thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em, lao động và chính sách xã hội (16 dự án); quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội (12 dự án). Còn 07 dự án thuộc lĩnh vực tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị và 07 dự án thuộc lĩnh vực quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân.
Theo Tờ trình, xét về số lượng, số các dự án mà Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình năm 2013 (59 dự án) là tương đương với số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2009 (57 dự án), năm 2012 (51 dự án) và tương đối nhiều so với số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2008 (46 dự án), năm 2010 (42 dự án). Tuy nhiên, trong số 59 dự án này, có 27 dự án thuộc Chương trình năm 2012 (09 dự án thuộc Chương trình chính thức và 18 dự án thuộc Chương trình chuẩn bị) và chủ yếu là các luật sửa đổi (16 dự án) hoặc sửa đổi, bổ sung một số điều (15 dự án). Đồng thời, với quyết tâm thực hiện của Chính phủ thì đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2013 là có tính khả thi.
Riêng về chương trình năm 2012, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012) sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Ngoài dự án Luật Đất đai sửa đổi, Chính phủ còn đề nghị lùi thời hạn trình hai dự án Luật khác, gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và dự án Luật Đô thị.
Theo Ủy ban Pháp luật, trên cơ sở đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và các năm trước đây, kiến nghị, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ, các cơ quan hữu quan và đại biểu Quốc hội, về cơ bản, Uỷ ban pháp luật tán thành với nhiều đề nghị của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan và của các đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013.
Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng cần tập trung trí tuệ của các cơ quan, tổ chức có liên quan vào việc chuẩn bị cũng như triển khai tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Theo đó, phải có những giải pháp thiết thực để lập và triển khai có hiệu quả Chương trình.
Ủy ban này đề nghị Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền trình đề nghị, kiến nghị về luật, pháp lệnh cần nghiên cứu tổng thể những chính sách cần thể chế hoá bằng pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết, hình thành hồ sơ để kiến nghị với Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội khi đã có đủ điều kiện.
Các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện nghiêm túc các giải pháp đã được đề cập trong Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIII, nhất là làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan soạn thảo có dự án luật trình không đúng tiến độ, không bảo đảm chất lượng.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị UBTVQH giao cho Chính phủ có ý kiến và phân công cơ quan cụ thể chủ trì chuẩn bị các dự án Luật kiến trúc sư, Luật chống bán phá giá, Luật cảnh vệ, Luật khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, Pháp lệnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam