Giới chuyên gia: Thương mại thế giới đối mặt với nhiều bất ổn trong năm 2012

Dẫn nhận định của giới chuyên gia và quan chức thương mại quốc tế tại Liên Hợp Quốc (LHQ), ngày 16-4, phóng viên TTXVN tại LHQ cảnh báo thương mại thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn trong năm 2012, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu và những bất ổn này có thể hủy hoại nền kinh tế thực ở cấp quốc gia lẫn toàn cầu.

Các chuyên gia thương mại nêu rõ khi Vòng đàm phán về tự do thương mại toàn cầu Đôha (Doha) bế tắc, nhiều nước phát triển đang thúc đẩy đàm phán các hiệp định thương mại giữa một nhóm nước với lập luận rằng các cuộc đàm phán đa phương giữa tất cả các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã trở nên không thể kiểm soát được. Các nước chiếm tới 90% sản xuất và buôn bán công nghệ thông tin toàn cầu đã tham gia hiệp định công nghệ thông tin (ITA), một ý tưởng đàm phán mới nhất do các nước phát triển đề xuất. Các nước này cho rằng nếu các nước đang phát triển không tham gia các cuộc đàm phán giữa một nhóm nước và không tiếp cận thị trường công nghiệp dịch vụ của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), các nước phát triển hàng đầu như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canađa… sẽ thúc đẩy hiệp định thương mại tự do dịch vụ chỉ bao gồm các nước này. Các nước phát triển hàng đầu hiện chiếm tới 60% buôn bán dịch vụ toàn cầu, chủ yếu là dịch vụ tài chính, đã tự do hoá dịch vụ này đồng thời đang thuyết phục các nước đang phát triển hàng đầu không chỉ tự do hoá buôn bán dịch vụ mà còn bỏ qua phần về nông nghiệp trong Vòng đàm phán Đôha. Tuy nhiên, các nước đang phát triển đã không chấp nhận điều này.

Chuyên gia thương mại tại Tổ chức Giám sát Bắc-Nam, Chắcravathi Rắchavan (Chakravarthi Raghavan), nhấn mạnh trong bối cảnh các cuộc bầu cử sẽ diễn ra ở nhiều nước có tầm ảnh hưởng quốc tế như Mỹ, Pháp và vai trò của nguồn vốn tài chính của các công ty xuyên quốc gia trong các cuộc bầu cử này, các nước sẽ không có hành động nào trong năm 2012 để làm dịu hoặc loại bỏ các nguyên nhân căn bản dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Vòng đàm phán Đôha rất cần một chương trình nghị sự đàm phán mới sau 11 năm đàm phán nhưng không đạt được hiệp định thương mại toàn cầu mới. Tuy nhiên, cho đến nay, không nước phát triển cũng như đang phát triển nào cảm thấy trách nhiệm phải thúc đẩy tiến trình thương lượng quan trọng này.