Mới lạ mô hình “nông nghiệp đô thị”

Xuất hiện trên thế giới hàng chục năm nay, nhưng kỹ thuật trồng cây không dùng đất xem ra còn khá mới lạ đối với nông dân cả nước nói chung và địa phương nói riêng. Thế nên khi giới thiệu vào đầu tháng 4/2012 tại TP. Phan Thiết, phương pháp thủy canh quy mô hộ gia đình đã được nhiều người hưởng ứng và mong muốn tham gia…

Quy mô “nông nghiệp đô thị”

Khi mà diện tích đất dành cho cây trồng ngày càng eo hẹp thì phương pháp thủy canh đã được lựa chọn, nhất là tại các đô thị đất chật- người đông. Bởi thủy canh là kỹ thuật trồng cây không dùng đất, mà trồng trực tiếp vào dung dịch dinh dưỡng hoặc các giá thể. Đặc biệt ở quy mô nhỏ, các hộ gia đình có thể tận dụng khoảng không gian trống trong nhà như bancông, sân thượng, sân vườn… để trồng rau quả. Đây còn là kỹ thuật tiên tiến được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra sản phẩm sạch hơn, an toàn hơn cung cấp cho các bữa ăn gia đình.

 
Giới thiệu phương pháp thủy canh cho người dân Phan Thiết và vùng phụ cận.

Hiện nay, phương pháp thủy canh còn được xem là mô hình “nông nghiệp đô thị” ở các thành phố. Với kỹ thuật đơn giản và ít tốn công chăm sóc, phương pháp này có thể thu hút người già hay trẻ em tham gia lúc rảnh rỗi. Vì các loại rau chủ yếu trồng bằng kỹ thuật thủy canh dịch lỏng (phần lớn rễ cây chỉ tiếp xúc với không khí và dịch dinh dưỡng), khí canh (dung dịch dinh dưỡng được phun vào rễ dưới dạng sương mù). Với các loại rau quả kích thước lớn như bầu bí, cà chua… thì nên áp dụng phương pháp thủy canh có gắn giá thể (chứa xơ dừa, mạt cưa…).

Mới đây, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận đã “ra mắt” phương pháp thủy canh quy mô hộ gia đình đến bà con nông dân địa phương. Lần đầu tiên tiếp xúc và được hướng dẫn cụ thể, ai nấy đều rất thích thú với phương pháp trồng cây mới lạ và dễ tiến hành trong phạm vi hẹp của nhà phố…

Nghề làm vườn hiện đại

Chưa tính đến hiệu quả kinh tế mà mô hình “nông nghiệp đô thị” mang lại, đại diện nhiều hộ gia đình khi được giới thiệu phương pháp thủy canh đã mong muốn triển khai. Chị Duyên (phường Xuân An - Tp. Phan Thiết) cho biết: Phương pháp trồng đơn giản cũng giống như nghề làm vườn thời hiện đại, nên yêu thích là làm được. Mà yêu thích để tạo ra mảng xanh, tăng thêm nguồn rau sạch và tham gia để giảm tải căng thẳng của nhịp sống đô thị thì còn gì bằng…

Theo kỹ sư Lê Thị Bích Uyển - Phó Phòng Công nghệ Sinh học, hiện Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận đã thử nghiệm trồng thành công một số loại rau quả. Trong đó thông dụng và đạt năng suất hơn là: cải xanh, cải ngọt, cải thìa, xà lách, húng, quế, tía tô, ngò gai, bí xanh, cà chua, dưa chuột, ớt, khổ qua… Và nếu bà con hưởng ứng tham gia mô hình thì nên tính toán nhu cầu thực tế, trung tâm sẽ tư vấn cũng như đáp ứng vật tư, thiết bị cần thiết nhằm đảm bảo thực hiện thành công mô hình. Cũng cần biết thêm, phương pháp thủy canh nếu áp dụng đúng kỹ thuật sẽ “thâm canh” liên tiếp từ 8 - 10 vụ rau quả trong một năm.

Cần hỗ trợ nhân rộng mô hình

Trong nỗi lo về ô nhiễm môi trường sống, tất cả mọi người đều quan tâm và đặt an toàn sức khỏe gia đình lên hàng đầu. Vì vậy khi được giới thiệu phương pháp thủy canh, chúng tôi không ngạc nhiên khi có nhiều người mong muốn thực hiện dù mô hình khá mới mẻ. Tuy nhiên để thực hiện mô hình “nông nghiệp đô thị” tại Phan Thiết, vấn đề đầu tư giàn thiết bị ban đầu lại là trở ngại cho bà con. Với khoảng 5 triệu đồng/giàn, cộng với dinh dưỡng 240 lít/vụ (1.000 - 1.500 đồng/lít) là chi phí không nhỏ và không dễ thuyết phục số đông người dân có tư tưởng tham gia “vui là chính”. Vì vậy, đơn vị chức năng cần có giải pháp hỗ trợ bước đầu hoặc tư vấn người dân đầu tư thiết bị phù hợp để sớm triển khai thử nghiệm. Khi nhận thấy quy mô “nông nghiệp đô thị” trở nên cần thiết trong cuộc sống và đáp ứng được nhu cầu hàng ngày, ắt hẳn các hộ gia đình sẽ đầu tư, không tiếc chi phí…

Nguồn Báo Bình Thuận