Hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực CNTT
Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác Chính phủ Việt Nam trong đó có lãnh đạo Bộ TT&TT đã có chuyến thăm và làm việc với Ấn Độ. Cũng trong chuyến thăm này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã gặp gỡ ông Bhardwaj, Thống đốc bang Karnataka. Thành phố Bangalore là một trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch lớn nhất của bang Karnataka. Đây là trụ sở của nhiều tập đoàn, công ty hàng đầu Ấn Độ về CNTT, công nghệ phần mềm có uy tín và sự ảnh hưởng lớn rất lớn đối với ngành CNTT thế giới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ ông Bhardwaj, Thống đốc bang Karnataka (Ấn Độ).
Phó Thủ tướng đã nêu một số đề nghị hợp tác cụ thể, xứng tầm đối tác chiến lược mà lãnh đạo 2 nước đã ký kết. Theo đó, ngoài việc số du học sinh Việt Nam đang đến Bangalore ngày càng gia tăng trên các lĩnh vực, hàng năm Việt Nam sẽ cử người đến học các ngành chuyên về CNTT tại Bangalore ở cả 3 trình độ Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Phó Thủ tướng cho biết sẽ giao một trường đại học hàng đầu Việt Nam về CNTT chuẩn bị xúc tiến thành lập trung tâm đào tạo CNTT trình độ xuất sắc mang tên thành phố CNTT nổi tiếng là Bangalore. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị chính quyền bang Karnataka và các trung tâm CNTT lớn tại đây hỗ trợ Việt Nam đào tạo đội ngũ chuyên gia về an ninh mạng. Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp CNTT của Ấn Độ, cũng như của Bangalore có mặt thường xuyên tại các triển lãm CNTT quy mô lớn hàng năm được tổ chức ở Việt Nam.
Cơ hội cho gia công phần mềm
Trong khuôn khổ chương trình chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Ấn Độ, Bộ TT&TT và Hiệp hội phần mềm Việt Nam (Vinasa) đã có buổi gặp gỡ và thảo luận với nhiều doanh nghiệp CNTT của Ấn Độ. Vinasa đã cung cấp thông tin cho phía Ấn Độ về tình hình phát triển dịch vụ CNTT ở Việt Nam cũng như những cơ hội hợp tác.
Ông Nguyễn Trọng Đường (thành viên trong đoàn công tác của Phó Thủ tướng) cho biết, phía Ấn Độ cũng mong muốn hợp tác không phải để khai thác thị trường Việt Nam mà muốn bắt tay như một đối tác khai thác thị trường thế giới. “Thực tế định hướng của Việt Nam và Ấn Độ gần giống nhau như việc gia công phần mềm, nhưng Ấn Độ đã phát triển trước và quy mô của họ lớn hơn ta rất nhiều. Vì vậy, chúng ta nên hợp tác theo kiểu đối tác chứ không phải đối thủ cạnh tranh trực tiếp”, ông Đường nói.
Ấn Độ đang chuyển mạnh từ gia công phần mềm sang dạng phần mềm đóng gói của chính họ. Muốn làm được điều đó cần có bề dày kinh nghiệm để hiểu thị trường, hiểu khách hàng - thành quả có được sau nhiều năm làm gia công phần mềm. Hiện tại, Ấn Độ đã đào tạo được đối ngũ nhân lực CNTT có kỹ năng làm việc theo tiêu chuẩn quốc tế. Ông Nguyễn Trọng Đường cho rằng, trong quá trình phát triển CNTT của Việt Nam thì chất lượng nhân lực CNTT vẫn còn hạn chế. “Đề làm được như Ấn Độ, Việt Nam phải có đội ngũ nhân lực CNTT có trình độ tiếng Anh, trình độ chuyên môn, đặc biệt là đủ kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế. Điểm yếu của chúng ta là kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm”, ông Đường nói. Tuy nhiên, phía Ấn Độ sẽ hỗ trợ Việt Nam giải quyết những vấn đề đó. Sắp tới, Ấn Độ và Việt Nam sẽ ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực này. Phía Ấn Độ có thể nhận lao động Việt Nam sang đào tạo tại Ấn Độ theo hình thức làm việc trong các công ty để thực hành ở môi trường thực tế.
Ông Nguyễn Trọng Đường phân tích, theo Đề án Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT, nếu chúng ta có được 1 triệu nhân lực CNTT đạt trình độ tương đương của Ấn Độ thì có thể kiếm khoảng 50 tỷ USD. Đây là thách thức không hề nhỏ. Việt Nam đã xác định nhân lực CNTT thì phải do chính ngành CNTT tham gia sâu vào để đào tạo chứ không phải là chỉ xác định nhu cầu. Việt Nam cũng xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề cốt lõi để triển khai Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CN-CNTT (Bộ TT&TT) cho biết, Ấn Độ có chiến lược rõ ràng là tập trung vào lĩnh vực phần mềm và dịch vụ CNTT. Tính đến tháng 2/2012, doanh thu của ngành gia công phần mềm và dịch vụ CNTT của Ấn Độ đã vượt 100 tỷ USD. Ấn Độ đã tập trung đào tạo 2,5 triệu nhân lực CNTT để làm ra 100 tỷ USD. Số nhân lực CNTT của Ấn Độ chỉ chiếm 0,25 tổng dân số nhưng đã đóng góp 8% GDP của quốc gia này. Điều này chứng tỏ CNTT đóng vai trò rất quan trọng cho nền kinh tế của Ấn Độ.
Nguồn ICTnews