Pháp lệnh Thư viện cần sớm được sửa đổi, nâng cấp thành Luật Thư viện

Tiếp tục phiên họp thứ 7, chiều 16/4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thư viện.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, để nâng cao hiệu lực pháp luật, tạo điều kiện cho hoạt động thư viện phát triển, Pháp lệnh Thư viện cần sớm được sửa đổi, nâng cấp thành Luật Thư viện.

Ủy ban này cũng nhất trí với quan điểm xây dựng Luật Thư viện nêu trong Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh: Việc xây dựng Luật Thư viện phải bảo đảm thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển thư viện, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, đồng thời phải có tính dự báo cao.

Về phân loại thư viện, so với Pháp lệnh Thư viện, dự thảo Luật đã sửa đổi cách phân loại thư viện theo hình thức sở hữu và bổ sung một số loại hình thư viện mới, đó là thư viện ngoài công lập và thư viện có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra, Dự thảo Luật đã cụ thể hóa loại hình thư viện do UBND các cấp thành lập trong Pháp lệnh Thư viện thành thư viện cấp tỉnh, thư viện cấp huyện và thư viện cấp xã.

Cơ quan thẩm tra dự án Luật cũng cho rằng, việc xây dựng, củng cố thư viện tuyến cơ sở là hết sức cần thiết, song đề nghị cân nhắc về phương thức tổ chức và lộ trình phát triển hợp lý đối với loại hình thư viện cấp xã. Theo lý giải của Ủy ban này, nước ta hiện có khoảng 11.000 xã, nếu thành lập hệ thống thư viện cấp xã đồng bộ, chính quy thì nhà nước phải đầu tư ngân sách cho việc xây dựng trụ sở, bố trí cán bộ và duy trì hoạt động của thư viện. Bên cạnh đó, kết quả khảo sát thực tế cho thấy, ngay cả các thư viện cấp huyện hiện cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, hầu hết chưa có trụ sở riêng mà thường được bố trí chung trong trung tâm văn hóa huyện, ngân sách được cấp còn hạn chế do mô hình tổ chức và hoạt động của loại hình thư viện này chưa được quy định rõ ràng cũng như chưa được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư.

Nhất trí với cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển lo ngại nếu đưa vào mỗi xã đều có một thư viện thì sẽ dẫn đến lãng phí cả về con người và nguồn lực. Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng, nên có lộ trình tiếp tục củng cố thư viện lớn ở Trung ương, cấp tỉnh, tổ chức thư viện tốt ở cấp huyện. Riêng ở cấp xã thì những xã nào có điều kiện, người dân có trình độ dân trí cao, nhu cầu đọc sách cao thì có thể đầu tư, tạo điều kiện để có thư viện.

Theo Dự thảo Luật quy định, việc xếp hạng thư viện chỉ thực hiện đối với thư viện công lập. Quy định này cũng không nhận được sự đồng tình của cơ quan thẩm tra. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, xếp hạng thư viện là cần thiết nhưng nên áp dụng với cả thư viện ngoài công lập. Căn cứ kết quả xếp hạng các thư viện công lập, Nhà nước có chính sách đầu tư, tổ chức bộ máy và định mức biên chế thích hợp. Đối với các thư viện ngoài công lập, kết quả xếp hạng tạo động lực phát triển và là cơ sở để thu hút nguồn lực xã hội tài trợ. “Nhà nước cũng nên có chính sách ưu đãi nhất định với những thư viện ngoài công lập có thứ hạng cao. Có như vậy thì mới khuyến khích được thư viện ngoài công lập phát triển” – Chủ nhiệm Đào Trọng Thi nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng nhất trí rằng không nên chỉ xếp hạng với cơ sở thư viện công lập mà cần xếp hạng với cả thư viện ngoài công lập.

Về chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện, cơ quan thẩm tra đề nghị cần tập trung vào một số nội dung thúc đẩy thư viện phát triển theo hướng hiện đại hóa, trong đó hình thành thư viện điện tử, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật trong lưu trữ, quản lý tài liệu thư viện, cải thiện điều kiện làm việc của độc giả cũng như của cán bộ nhân viên trong hoạt động thư viện, tạo điều kiện cho thư viện, nhất là thư viện trọng điểm bổ sung tài liệu, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam