Theo báo cáo tiếp thu của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, có một số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật (cơ quan soạn thảo là Bộ Tư pháp), đó là ở cấp tỉnh, sẽ không còn “giám định viên pháp y” thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, còn đưa hoạt động vào giám định pháp y vào tổ chức giám định pháp y thuộc ngành Y tế.
Lý giải về ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho rằng nếu để pháp y trong Công an cấp tỉnh thì việc Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ pháp y không thuận lợi.
Tuy nhiên loại ý kiến thứ hai không đồng ý với dự thảo Luật khi cho rằng thực tiễn nhiều năm qua, đội ngũ giám định pháp y thuộc Công an cấp tỉnh (chủ yếu là pháp y tử thi) phục vụ hiệu quả cho hoạt động tố tụng và không có vướng mắc trong tổ chức thực hiện cũng như quản lý nhà nước.
Theo Trung tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, ngành Công an muốn giữ biên chế giám định viên pháp y tại cấp tỉnh. Trưng cầu hay giám định pháp y đều tuân thủ theo Luật Tố tụng hình sự. Ngoài ra, các giám định viên của ngành không bao giờ nề hà, chậm trễ trong công việc.
Theo khảo sát của Ủy ban Tư pháp, một trong vướng mắc của giám định pháp y hiện nay là Bộ Y tế chưa ban hành được các văn bản quy định về quy trình, quy chuẩn chuyên môn. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thống nhất, giảm độ tin cậy trong giám định dẫn đến khiếu nại.
Căn cứ vào thực tế công việc và vì mục đích chung nhất là tập trung đầu tư cho hoạt động giám định pháp y theo hướng chuyên trách, chính quy, hiện đại, hầu hết các địa phương được Ủy ban Tư pháp khảo sát đều cho biết cần tập trung hoạt động này ở cấp tỉnh vào một mối.
Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung thêm một phương án để Quốc hội xem xét là “căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan thẩm tra cần bổ sung lý lẽ cụ thể cho mỗi phương án để Quốc hội nắm rõ và quyết định.
Ngoài nội dung trên, đa số các ý kiến trong UBTVQH cũng đồng ý việc mở rộng quyền của đương sự được tự mình yêu cầu giám định tư pháp để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Theo đó, đương sự trong vụ việc dân sự vụ án hành chính và đương sự trong trường hợp vấn đề dân sự được giải quyết cùng với vụ án hình sự đều có quyền yêu cầu giám định tư pháp như dự thảo Luật.
*Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.
Theo đó, Bộ Tư pháp có vai trò chính trong công tác pháp điển. Bộ pháp điển được xây dựng theo quy định của Pháp lệnh này là Bộ Pháp điển chính thức của Nhà nước, được sử dụng để tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật.
Giá trị tích cực của Bộ Pháp điển thể hiện ở việc cho phép người sử dụng bao quát một cách đầy đủ tất cả các quy định của pháp luật đang còn hiệu lực, tra cứu cụ thể các quy định mà mình cần áp dụng nằm ở văn bản gốc nào…
Pháp lệnh giao Thủ tướng Chính phủ quyết định lộ trình xây dựng Bộ Pháp điển.
Nguồn www.chinhphu.vn