Đến nay, trãi qua 37 năm sau ngày giải phóng nói chung, đặc biệt qua 20 năm tái lập tỉnh (1/4/1992 - 1/4/2012) bằng quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã làm nên nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Và một trong những thành tựu rất đáng được ghi nhận đó là nền kinh tế phát triển toàn diện, liên tục với nhịp độ tăng trưởng khá bền vững.
Năm 2012, ngành Công nghiệp - xây dựng phấn đấu đạt giá trị gia tăng từ 23-24%.
Trong ảnh: Sản xuất bê-tông tươi tại Công ty TNHH Hoàng Nhân - cụm Công nghiệp Thành Hải,
Tp.Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Văn Miên
Theo số liệu tổng hợp của Cục Thống kê tỉnh cho thấy, chỉ tính đến năm 2011 tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) tăng gấp 4,6 lần so với năm 1992 (giá so sánh 1994); tốc độ tăng bình quân mỗi năm là 8,4%, cụ thể giai đoạn 1992-1995 tăng 8,8%, 1995-2000 tăng 6,2% và 2000-2011 tăng 9,3%. Theo đó, ngành Công nghiệp-Xây dựng tăng 9 lần; Dịch vụ tăng 11,6 lần so với năm 1992. Kim ngạch xuất khẩu từ chỗ gần như không đáng kể thì đến năm 2011 đạt 72 triệu USD tăng 42,4 lần so với năm 1992; tổng lượt khách du lịch năm 2011 đạt 661 nghìn lượt khách tăng 19 lần…
Trong những năm qua sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy còn chậm nhưng xu hướng chuyển dịch tương đối rõ nét, nhất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác các tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Tỷ trọng giá trị tăng thêm chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng của khu vực nông nghiệp. Đơn cử như khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản năm 1992 chiếm 54,8% thì đến năm 2011 giảm xuống còn 43,1%; Công nghiệp và Xây dựng từ 15,8% đến năm 2011 tăng lên 21,9% và Dịch vụ từ 29,4% đến năm 2011 tăng lên 35%.
Một trong những thành tựu kinh tế trong 20 năm vừa qua đó là toàn tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực. Sau nhiều năm kiên trì giải quyết vấn đề lương thực, đến nay an toàn lương thực đã được khẳng định. Sản lượng lương thực có hạt năm 2011 đạt 273,4 ngàn tấn, tăng 162,5 ngàn tấn so với năm 1992, bình quân mỗi năm tăng trên 8,1 ngàn tấn. Sản lượng lương thực tăng nhanh, mặc dù trong 20 năm qua dân số tỉnh ta đã tăng thêm hơn 140 ngàn người nhưng lương thực bình quân đầu người vẫn tăng từ 259 kg năm 1992 lên 481kg năm 2011.
Trong 20 năm vừa qua đó là toàn tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực.
Trong ảnh: Ông Trương Văn Đại, xã viên HTX dịch vụ nông nghiệp Gò Đền (xã Tân Hải, huyện Ninh Hải)
được HTX cho vay 30 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất. Ảnh: Văn Miên
Ngành thủy sản trong 20 năm qua phát triển khá và tương đối toàn diện cả chiều rộng và chiều sâu, có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Giá trị sản xuất ngành thủy sản (giá so sánh 1994) tăng bình quân theo từng năm đạt 8,2%, trong số này tỷ trọng nuôi trồng chiếm 54,3% giá trị SX của ngành. Đã hình thành 4 vùng sản xuất tôm thịt tại Đầm Nại, Phú Thọ, Hòa Thạnh và Phước Dinh; đang hình thành 3 trung tâm sản xuất tôm giống tại Hòa Thạnh, Khánh Hội và Cà Ná; năm 2011 sản xuất 12,7 tỷ con giống, trở thành vùng sản xuất tôm giống cao nhất cả nước.
Toàn tỉnh hiện có gần 2.500 tàu thuyền, với tổng công suất trên 194.408 CV,
trong đó số tàu từ 90CV trở lên chiếm khoảng 25%, hàng năm khai thác trên 56.000 tấn hải sản. Ảnh: CTV
Về kinh tế công nghiệp-xây dựng, có thể nói sản xuất công nghiệp trong 20 năm qua cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung toàn bộ nền kinh tế của tỉnh. Sản xuất liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, giai đoạn 1992-1995 giá trị sản xuất (giá CĐ 1994) bình quân tăng 15,4% mỗi năm; giai đoạn 1995-2000 tăng 11,3%; bình quân giai đoạn 1992-2011 tốc độ tăng 14,2%. Cả 3 khu vực kinh tế đều tăng: khu vực nhà nước tăng 5,7%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 18,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài những năm gần đây (từ năm 2000-2011) tăng bình quân mỗi năm 45,1%. Đồng thời số cơ sở sản xuất công nghiệp tăng nhanh theo từng năm, với tốc độ tăng bình quân mỗi năm 5,1%, chủ yếu tăng cơ sở ngoài quốc doanh.
Ngành công nghiệp xây dựng đầu tư thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu xây dựng
các công trình công nghiệp, dân dụng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Sơn Ngọc
Vốn đầu tư XDCB toàn xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong giai đoạn 1992-2011, vốn đầu tư XDCB toàn xã hội tăng liên tục với tốc độ cao, bình quân mỗi năm tăng 27%. Trong đó, ngành công nghiệp có tốc độ tăng bình quân cao nhất đạt 53,6% mỗi năm; giao thông vận tải và thông tin liên lạc tăng 35,5%; nông, lâm, thủy sản tăng 17,2%. Tốc độ phát triển của các nguồn vốn qua các năm cũng theo chiếu hướng tích cực. Trong tổng số các nguồn vốn thì nguồn vốn nhà nước tăng bình quân mỗi năm 23,8%; vốn tín dụng tăng 20,1 % và vốn của tư nhân và dân cư tăng 28,8%.
Ngành Thương mại và Du lịch đã có bước mở rộng và đóng góp khá vào nền kinh tế của tỉnh. Cũng theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng liên tục trong 20 năm qua với mức tăng bình quân mỗi năm là 16,2%. Đặc biệt giai đoạn 2000-2011 tăng 20%. Mức bán lẻ bình quân đầu người/ năm cũng tăng đáng kể, từ 1,05 triệu đồng năm 1992 tăng lên 13,8 triệu đồng năm 2011. Nhìn chung, thương mại nội địa và các loại hình dịch vụ phát triển khá đáp ứng nhu cầu, cung ứng vật tư cho sản xuất và hàng tiêu dùng của nhân dân các vùng miền trong tỉnh. Góp phần điều hòa và bình ổn giá cũng là một trong những nguyên nhân kìm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Hoạt động du lịch bước đầu có khởi sắc, đã thu hút các thành phần kinh tế đầu tư tại các vùng biển như: Cà Ná, Bình Sơn, Ninh Chữ, Bình Tiên… từng bước hình thành các cụm du lịch…
Vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải - Điểm du lịch thu hút đông du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Ảnh: Văn Miên
Chung quy lại, qua 37 năm từ sau ngày giải phóng, đặt biệt qua hai thập niên kể từ ngày tỉnh nhà tái lập (1/4/1992-1/4/2012), thời gian tuy không dài so với quá trình hình thành và phát triển của Tỉnh nhưng những thành tựu và kết quả đạt được có nhiều ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ, vượt khó, sự vận dụng sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Thuận qua các giai đoạn thực thi đường lối đổi mới của Đảng. Những thành quả đó còn là cơ sở vững chắc để Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tự tin, vững bước trên chặng đường mới hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển, phồn vinh.
Tuấn Dũng